Siêu thị không còn cảnh chen lấn
Theo khảo sát của phóng viên, sáng 21-7 tại các siêu thị như Bách Hóa Xanh, Co.opMart, Satra Food, Emart, Mega Market... khu vực Gò Vấp và quận 12 (TP.HCM) không còn cảnh người dân xếp hàng dài để mua hàng hay chen chúc nhau trong các quầy thực phẩm, thanh toán.
Tuy nhiên các hệ thống siêu thị này vẫn đảm bảo việc khai báo y tế đối với từng người mua hàng, tùy vào diện tích siêu thị mà sắp xếp lượt người vô mua sắm cho phù hợp.
Lượng thức ăn trên các kệ cũng trở nên dồi dào hơn. Nếu như cách đây 1 tuần, chỉ mới 9g sáng thức ăn tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường số 3, phường 9, Gò Vấp chỉ còn những kệ trống, thì giờ đây thực phẩm còn rất nhiều, người mua có thể thoải mái lựa chọn mà không cần chen lấn.
Theo nhân viên siêu thị quầy hải sản tại Mega Market (quận 12), nếu như trước ngày 9-7 và ngày 14-7 vừa qua, lượt mua hàng đây luôn quá tải, chỉ cần 20 phút các quầy cá, tôm, cua ốc đều nhanh chóng hết hàng, thì giờ đây lượng khách mua cũng giảm hẳng, lượng thực phẩm của một người cũng ít đi.
"Những ngày trước, do chợ và nhiều siêu thị đóng cửa nên người dân kéo nhau mua đồ tích trữ, bây giờ hàng hóa nhiều hơn, người dân cũng còn nhiều đồ ăn nên lượt mua sắm cũng giảm"-người này cho biết.
Thực tế, hiện nay nhu cầu mua sắm hàng thực phẩm, rau củ quả tươi của người dân vẫn ở mức cao, tuy nhiên, nhiều kênh bán thực phẩm mới đã triển khai hoạt động, chợ dần mở cửa trở lại giúp hạ nhiệt lượng người đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm.
Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công thương ngày 20-7 cũng cho thấy, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm so với các ngày trước đó và đi vào ổn định.
Tại hệ thống chợ, mãi lực chợ giảm nhẹ 5% đến 10% so với ngày 19-7. Tại hệ thống siêu thị, mãi lực ngày 19-7 giảm 15% so với ngày 18-7 và gần 25% so với ngày thường.
Giá thực phẩm đang dần bình ổn
Tại một số chợ truyền thống như chợ An Hội (Gò Vấp), chợ Ngã tư ga (quận 12), giá thực phẩm đã giảm nhiệt về mức gần như bình thường, hoặc ngang bằng với siêu thị.
Đơn cử giá rau cải xanh các loại nằm ở mức 30.000 đồng/kg, giảm từ 15-20.000 đồng/kg so với tuần trước, chanh 20.000-30.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg ở giai đoạn cao điểm, hay cà chua nay giảm còn 30.000 đồng/kg, bí xanh 35.000 đồng/kg...
Mặc dù vậy, trứng vịt vẫn có giá 45.000-50.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp vẫn ở mức 40.000 đồng/chục, trong khi đó siêu thị chỉ từ 27.000-30.000 đồng/chục.
Báo cáo từ Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công thương cũng nhận định, hiện nay hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả cũng trở nên ổn định.
Các hệ thống phân phối như siêu thị vừa huy động lượng hàng hóa thiết yếu tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường, vừa tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân.
Đồng thời tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà, áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa như trứng gà được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đã huy động các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics, có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa để cung cấp nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo tại hơn 1.000 điểm bán như: hệ thống Pharmacity, Con Cưng, Guardian, Hoa Yêu Thương…
Thành phố cũng công khai thông tin 2.833 điểm bán theo từng địa bàn thành phố, quận huyện để người dân được biết và đến mua sắm. Ngoài các điểm bán hàng nêu trên, các điểm bán hàng khác trên địa bàn Thành phố vẫn hoạt động bình thường. Các hình thức bán hàng online, đặt hàng trực tuyến đều tăng mạnh.
Trong sáng 20-7, TP đã tổ chức thêm 82 điểm bán hàng và điểm lưu động nâng tổng số lên 634 điểm bán. Đồng thời tiến hành mở lại một số chợ truyền thống, giúp giảm tải áp lực cho các hệ thống siêu thị và kéo giá cả thị trường được ổn định trở lại.
Theo Thu Hà (Pháp Luật TPHCM)