Ông Bắc cho biết, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, một lứa lợn xuất chuồng ông chỉ cân bán trong 2 ngày là xong, nay kéo dài tới 4-5 ngày. Chưa kể, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá thịt lợn giảm mạnh. Cuối tháng 8, giá lợn xuất chuồng ở mức 51.000-52.000 đồng/kg, hiện giảm còn 42.000 đồng/kg.
Diá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh, thành ra những người chăn nuôi lợn như ông Bắc đang chịu cảnh thua lỗ nặng.
“Như trang trại lợn nhà tôi có hơn 1.000 con lợn nái, tức chủ động được hoàn toàn con giống, vậy mà với giá lợn hiện tại, xuất bán mỗi con lợn tôi vẫn lỗ 1,5-1,8 triệu đồng”, ông nói. Tháng 8, ông Bắc lỗ khoảng 1 tỷ, còn từ đầu tháng 9 tới nay lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Theo ông, những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ phải đi mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi thì dịp này sẽ chịu mức lỗ dao động khoảng 2,2-2,4 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng. Nuôi càng nhiều, lỗ càng nặng.
Điều khiến ông Bắc lo lắng hơn là giá lợn hơi vẫn trên đà giảm mạnh, xu hướng này có thể kéo dài đến hết tháng 10. Dự kiến đầu tháng 11, khi nhu cầu tăng theo quy luật thị trường, lúc đó giá thịt lợn mới bắt đầu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Toản, chủ một trang trại lợn quy mô cả ngàn con ở Khoái Châu (Hưng Yên), cũng như ngồi trên đống lửa. Đàn lợn trong chuồng nhà ông đã đạt trọng lượng 110 kg/con, sắp đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá lợn hơi giảm còn 47.000-48.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi lỗ từ 1-2 triệu đồng/con lợn khi xuất bán.
Ông cho hay, để có lợn xuất bán thời điểm này, người chăn nuôi phải vào đàn cách đây 4 tháng. Giá lợn giống khi ấy khoảng 2,7-2,8 triệu đồng/con lợn 7kg. Trong khi, gần một năm nay, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng dựng ngược. Một con lợn nuôi đến ngày xuất chuồng, tiền thức ăn đội lên thêm khoảng trên 1 triệu đồng. Cộng chi phí điện, nước, thuốc phun sát trùng hàng ngày, nhân công,... giá thành sản xuất tăng lên 55.000-60.000 đồng/kg.
Ghi nhận vào sáng 23/9, dù nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, hàng quán bắt đầu được bán mang về, nhưng giá lợn vẫn tiếp đà giảm. Tại một số tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng còn từ 47.000-49.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung và miền Nam có mức giá từ 48.000-52.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nhận định, giá lợn hơi giảm mạnh dịp này không phải do cung vượt cầu, mà chủ yếu là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19. Các tỉnh giãn cách xã hội, nhiều chợ phải tạm đóng cửa, một số khu giết mổ phải dừng hoạt động do có F0, cộng với thu nhập của người dân giảm nên chi tiêu tiết kiệm... Từ đó, kéo giá thịt lợn giảm sâu, lợn khó xuất chuồng hơn trước.
“Đã thế, người chăn nuôi còn thêm gánh nặng khi giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh, làm giá thành lợn hơi lên tới 50.000-55.000 đồng/kg tuỳ quy mô chăn nuôi khiến người nuôi lỗ nặng”, ông nói.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 8 lần, có loại tăng tới 9 lần, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (khoảng 30-35%). Dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong khâu nhập nguyên liệu, trong khi chi phí vận chuyển tăng từ 200-300%.
Để gỡ khó cho người nuôi và các doanh nghiệp trong ngành, mới đây, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tới nay, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (đối xử tối huệ quốc) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ tác động tích cực tới việc phục hồi hoạt động chăn nuôi của người dân, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm dịp cuối năm.
Theo Châu Giang (VietNamNet)