Thứ gì cũng tăng...
Ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong tại các chợ truyền thống ở TP.HCM trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve có giá từ 27.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg,... Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... cũng tăng giá ở mức tương tự.
Chị Thanh Tuyền, một công nhân lao động đang tạm trú ở quận 6, TP.HCM, cho biết, suốt 3 tháng qua, tiền đi chợ cho gia đình 4 người đã phát sinh thêm khoảng 800.000 đồng mỗi tháng do giá cả hàng hóa tăng liên tục.
“Là nội trợ trong gia đình gần chục năm qua, chưa khi nào tôi thấy giá cả tiêu dùng lên cao như vậy. Bình thường, mỗi lần mua dầu ăn, gia vị cho một tháng chỉ mất khoảng 500.000 đồng thì nay lên 600.000 đồng. Đụng cái gì cũng tăng giá, mà thu nhập vẫn giữ nguyên. Giá xăng hiện nay đã hơn 30.000 đồng/lít, tôi chuyển sang đi chợ bằng xe đạp để tiết kiệm”, chị Tuyền bộc bạch.
Video: "Bão giá" ngấm từng bữa ăn người lao động. Thực hiện: Hoàng Trang. |
Trước tình trạng giá thực phẩm ngày càng leo thang, vợ chồng chị Vi Thị Thanh, công nhân Công ty thực phẩm Trung Sơn (quận Bình Tân, TPHCM) đã tính đến phương án cắt giảm chi tiêu để cân bằng chi phí sinh hoạt của gia đình, vì lương của hai vợ chồng không tăng.
Chị Thanh cho biết, lương cả 2 vợ chồng bình quân cũng chỉ tầm 15 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà trọ, điện nước khoảng 1,7 triệu đồng, tiền cho hai con ăn học cũng đã ngốn hơn 4 triệu đồng, phần còn lại là tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng.
Theo chị Thanh, trước đây, chị chỉ cầm 150.000 đồng đi chợ để mua thức ăn trong 1 ngày cho gia đình 4 người, nay chỉ được phân nửa các thứ thực phẩm cần dùng trong ngày thì đã cạn tiền. "Trước mua chục trứng gà có 28.000 đồng, giờ lên 35.000 đồng; bí xanh 22.000/kg, giờ lên 27.000 đồng/kg. Ngay cả mì gói cũng tăng lên 5.000 đồng/gói", chị Thanh cho hay.
Thắt chặt chi tiêu
Không chỉ công nhân chật vật trước biến động của giá cả hàng hóa, các tiểu thương kinh doanh cũng đầy lo lắng khi sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu hàng ngày.
Anh Nông Văn Thảo, tiểu thương chợ Bình Thới (quận 11), cho biết, mỗi khi đến mua, khách đều than phiền vì giá tăng cao. "Hàng lấy về giá tăng mình phải tăng theo để tránh bị lỗ. Do sức mua giảm, hiện nay tôi chỉ nhập về cầm chừng đủ bán. Có những mặt hàng giá tăng cao quá, tôi không dám nhập về như trứng gà ta hiện giá lên tới 40.000 – 44.000 đồng/chục”, anh Thảo chia sẻ.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, 5 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.
TS. Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh (Đại học RMIT) nhận định, tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Việc giá nhiên liệu tăng cao thường khiến giá các sản phẩm tiêu dùng khác tăng theo. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu giá nguyên liệu đầu vào gia tăng. Người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý cho các kịch bản xấu hơn.
Theo Hoàng Trang (Tiền Phong)