Đồng đôla Mỹ giảm nhẹ từ đỉnh 13 năm cũng khiến dầu thô và các hàng hóa khác, như vàng và đồng, tăng giá. “Giá dầu hiện cao hơn 1% so với đầu ngày, nhờ phát biểu của Tổng thống Nga - Vladimir Putin rằng ông tự tin sẽ đạt thỏa thuận sản lượng tháng tới”, Craig Erlam - chiến lược gia thị trường tại OANDA cho biết.
Dù vậy, ông vẫn nghi ngờ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể đạt thỏa thuận chi tiết và thực hiện chúng, do các thành viên chủ chốt vẫn còn quan điểm quá khác biệt.
Các nước OPEC sẽ có một phiên họp vào tuần tới. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Putin thì cho biết Nga không gặp khó khăn nào trong việc đồng ý đóng băng sản lượng - hiện ở mức 11 triệu thùng mỗi ngày. Đây cũng là mức cao nhất thời hậu Xô Viết.
Tuần trước, các nước thành viên OPEC đã đề xuất một thỏa thuận cho phép Iran hạn chế sản xuất, thay vì cắt giảm. Iran là một trong những rào cản lớn nhất khiến việc hạn chế sản xuất của OPEC gặp khó. Do họ đang muốn lấy lại thị phần đã mất sau nhiều năm chịu lệnh cấm vận của phương Tây.
Libya và Nigeria cũng có ý muốn tương tự, do chịu thiệt hại từ tình trạng bạo lực trong nước. Điều này có nghĩa giờ gánh nặng cắt giảm sẽ đè lên vai Saudi Arabia và các nước láng giềng ở Vùng Vịnh.
Các nhà phân tích tại Barclays thì cho rằng họ có thể đạt một thỏa thuận nào đó, nhưng ảnh hưởng sẽ rất hạn chế: "Chúng tôi dự báo OPEC sẽ đồng ý với một tuyên bố cho đỡ mất mặt. Nhưng các hãng dầu đá phiến tại Mỹ có thể tăng sản xuất tại mức giá 50 - 55 USD một thùng và sẽ tìm cách kiếm tiền với bất kỳ cơ hội nào mà việc cắt giảm của OPEC mang lại".
Theo Hà Thu (VnExpress.net)