Giá gà còn 7.000 đồng/kg, vẫn chưa thấy đáy
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid-19 chiều 31/7, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thông tin, địa phương này còn tồn hơn 1 triệu con gà đến ngày xuất chuồng. Giá gà công nghiệp lông trắng giảm còn 7.000 đồng/kg, tức 1 con gà trọng lượng 3 kg khi xuất chuồng chỉ bán được khoảng 20.000 đồng, bằng giá quả bí đỏ. Người chăn nuôi chịu lỗ 20.000 đồng/kg khi xuất chuồng.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, tỉnh có 44 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hiện chỉ còn 28 cơ sở hoạt động. Sản lượng giết mổ vì thế giảm 89%, giết mổ lợn giảm 31%, giết mổ đại gia súc giảm 79%.
Việc công suất giết mổ giảm, cộng với khó khăn trong vận chuyển, khiến các mặt hàng nông sản khó trong tiêu thụ.
Tại Long An đang tồn 2 triệu con gà lông màu. Một trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong tỉnh cũng báo tồn 200.000 con gà ri, vị đại diện này cho hay.
Ông Lê Văn Quyết - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát - chia sẻ, HTX của ông chăn nuôi gà trắng cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Năm ngoái, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá gà công nghiệp lông trắng có thời điểm giảm còn 8.000 đồng/kg, nhưng giảm chỉ vài ngày rồi hồi phục.
Nhưng đợt này, bà con khốn khổ vì giá gà xuống sâu, chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg và vẫn có khả năng giảm tiếp, chưa biết giá đáy là bao nhiêu. Điều khiến người chăn nuôi lo lắng hơn là dù giá rẻ nhưng vẫn không thể xuất bán.
Theo ông Quyết, nguyên nhân khiến gà tồn đọng, giá giảm mạnh là bởi nhiều cơ sở giết mổ lớn phải dừng hoạt động. Trong khi, gà xuất ra khỏi chuồng phải qua khâu giết mổ mới đưa đi tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thừa nhận, các tỉnh phía Nam có khoảng 60 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng tắc đầu ra.
“Đang có điểm nghẽn về giết mổ. Các khu giết mổ tập trung gần như không hoạt động vì dịch Covid-19. Mà gia cầm thì không thể chở trực tiếp vào thành phố được, phải qua khâu giết mổ mới đưa được ra chợ, vào cửa hàng, siêu thị”, ông nói.
Cho lò giết mổ hoạt động hết công suất
Để giải quyết lượng gà đang tồn đọng rất lớn trong chuồng, ông Sơn kiến nghị cần đẩy mạnh hoạt động giết mổ, cho các lò giết mổ hoạt động hết công suất. Giết mổ xong, gia cầm sẽ đưa ra thị trường tiêu thụ và một phần đưa vào kho lạnh bảo quản.
“Nếu ách tắc ở khâu giết mổ, gà vẫn ở chuồng không bán được thì người chăn nuôi không thể vào đàn mới. Hậu quả là đứt gãy sản xuất, một thời gian sau sẽ thiếu hụt nguồn cung”, ông lo lắng. Ông cũng đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ở các lò giết mổ, đội ngũ vận chuyển để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quyết cũng cho rằng, phải duy trì hoạt động giết mổ. Có như vậy, đầu ra của gia cầm mới được giải quyết.
“Tôi kiến nghị, với những nhà máy giết mổ gia cầm, nếu phong toả thì ngành y tế có cách nào để hoạt động lại sớm hơn. Phải giết mổ được thì mới đưa được gia cầm vào bảo quản. Có như vậy, gà mới ra khỏi chuồng được”, ông nói.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh cần quan tâm đặc biệt tới những cơ sở giết mổ trong tỉnh, vừa phải duy trì “5 K” trong phòng chống dịch, vừa hỗ trợ xét nghiệm cho lao động tại các cơ sở giết mổ tập trung.
“Nếu để cơ sở giết mổ dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất lớn tới chuỗi cung ứng. Bởi, chăn nuôi thì phải giết mổ. Bây giờ phải tính là thời chiến, phải giữ được các cơ sở giết mổ, đừng cho Covid-19 xâm nhập vào”, ông nói.
Ông cũng đề nghị các địa phương cần có phương án: nếu cơ sở giết mổ này tạm ngừng hoạt động thì phải có cơ sở giết mổ khác thay thế.
“Còn về giá gà, từ mức hơn 25.000-28.000 đồng/kg nay xuống còn 8.000 đồng/kg và dự báo sẽ tiếp tục xuống nữa, tôi sẽ lưu ý vấn đề này. Sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ kích cầu, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp giá điện để họ giết mổ gà lưu kho”, ông Nam nói.
Theo Tâm An (VietNamNet)