Gà rẻ như mớ rau: Sớm mở lại lò mổ, khơi thông đầu ra

28/07/2021 08:11:30

Giá gà rớt còn 7.000 đồng/kg. Khoảng 170.000 con gà công nghiệp lông trắng của ông Hải đã quá lứa xuất chuồng một tuần nay nhưng không thể tiêu thụ được. Ông mong các lò mổ được hoạt động trở lại để gà không còn ùn ứ.

Đã rẻ lại không bán được

Trao đổi với PV. VietNamNet sáng 27/7, ông Lê Phương Hải (Long Thành, Đồng Nai) cho hay, ông đã nuôi gà mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ giá gà rẻ như hiện tại khi giảm còn 7.000 đồng/kg.

Ông Hải cho biết, từ trước đến nay, gà đến lứa xuất chuồng tại trang trại của ông đều được xuất bán cho các bếp ăn tập thể, cho hệ thống bán thức ăn nhanh (gà rán). Theo đó, gà nuôi khoảng 30-40 ngày tuổi ông đã xuất chuồng hết.

Song, thời gian này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đóng cửa, một số cơ sở giết mổ gia súc gia cầm ở Đồng Nai và TP.HCM phải tạm dừng hoạt động, kéo theo giá gà công nghiệp ngày một giảm.

Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, giá gà công nghiệp lông trắng ở mức 28.000 đồng/kg, tuần vừa qua giảm xuống còn 10.000 đồng/kg và nay là 7.000 đồng/kg.

Gà rẻ như mớ rau: Sớm mở lại lò mổ, khơi thông đầu ra
Giá gà công nghiệp lông trắng đang giảm mạnh (ảnh: TL)

“Với mức giá như vậy, mỗi 1kg gà xuất chuồng tôi lỗ khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng, giờ giá gà có rẻ như vậy cũng không có ai mua”. Ông Hải nói và cho biết, hơn nửa tháng nay, gà ùn ứ không bán được khiến ông thua lỗ nặng. Mỗi ngày, đàn gà ăn hết 30 tấn cám, chưa kể tiền điện, tiền nhân công, trong khi gà đến lứa xuất chuồng, nếu nuôi tiếp trọng lượng không tăng nhiều.

Gà không bán được, thời tiết lại nắng nóng, chúng dẫm đạp chen chúc lên nhau nên bị chết nhiều. Như ngày hôm qua và hôm nay, lượng gà chết lên tới vài trăm con/ngày. 

“Tiền thua lỗ lên đến hàng tỷ đồng mà cứ đà này không bán được gà, tôi phải tính đến phương án giảm lượng thức ăn cho gà hàng ngày, cho ăn kiểu cầm chừng để duy trì”, ông Hải chia sẻ.

Ông mong cơ quan chức năng sớm cho hoạt động lại các lò giết mổ trong điều kiện phòng, chống dịch hoặc mở thêm các trung tâm giết mổ để giải quyết tạm thời khâu sơ chế trước mắt. Về lâu dài, cần có các nhà máy chế biến sâu tại các địa phương thì thị trường thịt gia cầm mới có thể ổn định, đời sống người chăn nuôi mới được đảm bảo. 

Thông tin từ Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT, một số mặt hàng đang có dấu hiệu cung vượt cầu. Giá gà công nghiệp lông trắng tại Đồng Nai ngày 26/7 giảm còn 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - xác nhận, giá gà công nghiệp tại tỉnh này đang giảm rất mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19. Một cân gà lông trắng giờ không bằng tiền một mớ rau muống.

Gà rẻ như mớ rau: Sớm mở lại lò mổ, khơi thông đầu ra - 1
Các doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, hộ nông dân vẫn thu mua giá gà công nghiệp với giá cao hơn giá thị trường (ảnh: Cao Trần) 

Sớm mở lại cơ sở giết mổ

Theo ông Đoán, Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi gia cầm, quy mô trang trại đều rất lớn. Mỗi ngày, địa phương cung ứng ra thị trường khoảng 100.000 con gia cầm các loại. Tuy nhiên, dịp này thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu giảm do nhiều nhà hàng, bếp ăn đóng cửa nên giá gà giảm theo.

Chính quyền hiện đã tạo điều điều kiện cho xe vận chuyển lưu thông. Tuy nhiên, gà không có đầu ra nên các đầu mối không tới trại thu mua nữa, ông cho hay.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, lượng tiêu thụ gia cầm toàn tỉnh đang giảm, người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ. Phía sở cố gắng tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kết nối cung - cầu giúp cho các vùng sản xuất tiêu thụ nông sản, trong đó có gia cầm.

Trước mắt, để giải quyết tình trạng này, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp. 

Theo Tổ Công tác 970, hiện các cơ sở giết mổ (CSGM) khu vực Đông Nam Bộ không đảm bảo 3 tại chỗ, có F0 bị đóng cửa nhiều đã làm ảnh hưởng đến giết mổ, tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc. Để tháo gỡ tình trạng này, Tổ công tác đề nghị Sở Y tế các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ tạo điệu kiện để các CSGM sớm hoạt động trở lại, hỗ trợ phun thuốc khử trùng tiêu độc thường xuyên.                                         

Đơn vị này cũng đề nghị các doanh nghiệp có công suất giết mổ lớn như CP Food, Masan cần chuẩn bị phương án tăng công suất giết mổ, đáp ứng nhu cầu các vùng lân cận nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sáng 27/7, Tổ Công tác cũng đã làm việc với Công ty San Hà nắm bắt tình hình giết mổ, cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm. Đây là một trong những cơ sở giết mổ lớn tại khu vực phía Nam với 4 nhà máy sản xuất, trên 120 chuỗi trang trại cung cấp thực phẩm cho trên 25 hệ thống siêu thị tại TP.HCM.

Trước giãn cách, công ty cung cấp cho TP.HCM mỗi ngày 80.000 con gà đã giết mổ, nay giảm xuống còn một nửa bởi nhu cầu giảm mạnh (hàng quán đóng cửa, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp hạn chế hoạt động).

Hiện giá gà công nghiệp lông trắng nhiều khu vực đang giảm xuống dưới 10.000 đồng/kg, song doanh nghiệp này vẫn thu mua gà trong chuỗi liên kết với HTX, hộ chăn nuôi ở Long An và Đồng Nai với giá 26.000 đồng/kg

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho hay sẽ thúc đẩy hơn nữa các chuỗi liên kết bằng việc hỗ trợ các HTX để sản xuất bền vững hơn. Tới đây, Bộ sẽ mở diễn đàn kết nối cung - cầu trứng, thịt gia cầm hai miền Nam - Bắc.

Theo Tâm An (VietNamNet)

 

Nổi bật