'GDP bình quân đầu người Việt Nam bằng Malaysia 20 năm trước'

30/01/2019 17:20:25

Tăng trưởng cao 20 năm qua nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam vẫn ở mức "thường thường bậc trung" nếu so với khu vực.

Tại buổi gặp gỡ ngày 30/1, trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu không ít trăn trở cho kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại 30 năm đổi mới, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, đất nước đã "tự làm chủ, chủ động hoạch định tương lai và quyết định con đường đi", trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh. Tốc độ tăng GDP bình quân tăng 6,8% một năm trong khoảng hai thập kỷ qua, quy mô kinh tế theo đó cũng tăng 39 lần, lên mức 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần, đạt gần 2.590 USD vào năm ngoái. 

'GDP bình quân đầu người Việt Nam bằng Malaysia 20 năm trước'
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tầm nhìn phát triển 2019. Ảnh: H.Thu

Nhưng ông nói, "khi Việt Nam chạy thì các nước chạy với tốc độ nhanh hơn", vì thế so với khu vực những con số này "chưa thấm vào đâu". 

Đơn cử, GDP bình quân đầu người của Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp đôi, Malaysia gấp 1,4 lần; Hàn Quốc gấp 6,8 lần... "Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước", Bộ trưởng Dũng nêu.

So sánh điều này, ông Dũng cho rằng, đất nước ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ, nhưng vẫn có khoảng cách lớn nếu so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... cách đây 40 năm đã có trình độ phát triển gần giống Việt Nam. "Việt Nam sau 30 năm đổi mới với nhiều nỗ lực vẫn ở mức "thường thường bậc trung", ông nhận xét.

Những hạn chế của nền kinh tế được vị trưởng ngành kế hoạch chỉ ra, như năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao, và nhất là nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. Loạt biến động tình hình địa chính trị bên ngoài đến từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hay độ mở nền kinh tế quá lớn... là những thách thức với Việt Nam trong tương lai.

Trong bối cảnh này, động lực để đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, vẫn là cải cách thể chế, chính sách để bứt phá nhanh, bền vững hơn.

Theo ông Dũng, với chủ trương phát triển đất nước thịnh vượng, bao trùm và "không để ai bị bỏ lại phía sau", các chính sách đều hướng tới mọi đối tượng trong xã hội, gồm những người yếu thế để xác lập vị thế bình đẳng, công bằng. Với ba trụ cột trong phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường, tất cả đều phải lấy con người làm trung tâm xây dựng phát triển, người dân làm động lực, mục tiêu và "không ai bị bỏ lại phía sau".

Ông đề nghị cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao, liên tục kéo dài; trong đó khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực. Cùng đó, phát triển kinh tế tư nhân vẫn sẽ là một trong những trụ cột của nền kinh tế giai đoạn tới. 

"Cơ hội và thách thức luôn song hành, nên biết tận dụng thì thành công. Ví dụ cuộc cách mạng 4.0 nếu không nhạy bén và kịp thời nắm lấy thì khó. Nếu không kịp chuyến tàu công nghệ 4.0 thì khoảng cách với các nước sẽ ngày càng giãn. Họ đi rất nhanh và sẽ không chờ mình. Đây là cơ hội để Việt Nam bắt kịp và thu hẹp khoảng cách phát triển", ông Dũng nhìn nhận.

Ông Dũng cũng cho rằng, hiện là thời điểm để gửi thông điệp mới về thu hút đầu tư nước ngoài, rằng Việt Nam sẽ chọn mô hình tăng trưởng xanh, sạch để phát triển chứ không thu hút FDI bằng mọi giá như vừa qua. 

Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)