Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ

14/04/2019 19:28:27

Gần đây, nhiều thông tin, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về gạo giả, gạo cao su khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Song thực tế có đúng như vậy hay không?

Chiều 6/4, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng về việc xác minh thông tin gạo “cao su” trong một clip đăng tải trên trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Cục Quản lý thị trường kết luận nội dung đã phản ánh trong clip trên là không có căn cứ, cơ sở.

Trước đó, ngày 31/3, trên các trang mạng xuất hiện clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một gia đình (được cho là trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) chứng minh mua phải loại gạo có nhãn hiệu C.M bị biến thành “cao su” sau khi nấu cơm.

Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ
Hình ảnh trên clip cho biết, sau khi rang thì gạo cháy đen, đặc quánh. (Ảnh cắt từ clip)

Theo lời người này, lúc ăn cơm phát hiện cơm dai nên nghi ngờ gạo cao su. Gia đình lấy gạo ra rang để kiểm tra. Kết quả là gạo cháy đen trên chảo. Cuối clip, người này còn khuyên “mọi người nên kiểm tra gạo sau khi mua về để đảm bảo”.

Tung tin gạo giả ở Cà Mau

Tháng 1/2018, Sở TTTT tỉnh Cà Mau đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với chị V.T.H (SN 1994, ngụ huyện Cái Nước, Cà Mau) về hành vi cung cấp nội dung, thông tin sai sự thật (đăng trên Facebook cá nhân Thiên Hằng Thiên Bảo).

Trước đó, vào khoảng 18h30 ngày 19/12/2017, nickname Thiên Hằng Thiên Bảo đã đăng tải một đoạn clip với dòng trạng thái: “Gạo em mua ở Cái Nước nè cao su bà con ơi”.

Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ - 1
Gạo sau khi được gang, dùng hộp quẹt đốt thì bốc cháy chẳng khác gì nhựa. (Ảnh cắt từ clip)

Nội dung đoạn clip dài hơn 4 phút cho thấy, sau khi một người phụ nữ tiến hành rang một ít gạo trên chảo nóng. Sau một lúc, gạo bắt đầu chuyển sang màu đen, bóc khói và kết thành cục. Khi dùng hộp quẹt đốt thì gạo bốc cháy không khác gì nhựa.

Clip rang gạo nghi là giả được làm từ nhựa này đã gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã kiểm tra thành phần gạo và không thấy có chất cao su.

Sự thật về vụ gạo giả gây xôn xao ở miền Tây

Tháng 7/2017, người dân ở Đồng Tháp xôn xao trước việc xuất hiện gạo lạ, nghi là gạo giả tại nhà Nguyễn Khắc Hiếu (ngụ ấp Hoà Khánh, xã Hoà An, TP Cao Lãnh). Theo đó, khoảng đầu tháng 7/2017, gia đình ông Hiếu mua 10kg gạo, loại 504 tại 1 cửa hàng gần nhà để về nấu cơm ăn. Khi nấu cơm anh Hiếu thấy cơm nhạt, rất khó ăn.

Đến ngày 7/7/2017, ông Hiếu lấy một ít gạo bỏ lên chảo rang thử thì bất ngờ gạo bị cháy đen kịt, nhũn ra rồi sánh cục lại. Từ đây, nhiều thông tin cho rằng đây là gạo giả nên gây hoang mang trong dư luận.

Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ - 2
Gạo khi rang lên chuyển sang màu đen tại nhà ông Hiếu.

Trước thông tin này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành chuyên môn và UBND TP Cao Lãnh tiến hành kiểm tra, xác định nguồn gốc, chất lượng loại gạo trên.

Tại nhà ông Hiếu, Đoàn kiểm tra tiến hành thực nghiệm như những lần trước với loại gạo nói trên. Sau khi rang gạo khoảng 20 phút, gạo chuyển sang màu đen nhưng không có hiện tượng kết dính và không có hiện tượng khác thường. Đây là gạo thật.

Nghi vấn gạo lạ đốt cháy như nhựa xuất hiện ở Sài Gòn

Phản ánh với báo Người Lao Động, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3) cho biết ngày 21/1/2017, anh mua ít gạo nàng hoa tại một cửa hàng quen trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Đến khi nấu cơm, anh thấy có nhiều hiện tượng bất thường. Cụ thể, anh Bình có cảm giác gạo không nở, cơm có chỗ còn sống. Ban đầu, anh cứ nghĩ do nồi bị hư nên đã thử nấu bằng nồi khác nhưng vẫn xảy ra tình trạng tương tự.

Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ - 3
Thấy gạo có biểu hiện bất thường, anh Bình đã mang chúng đốt và nhận thấy rất dễ cháy, có mùi khét như nhựa, sau đó vón cục.

Nghi là gạo giả, anh Bình đã dùng lửa từ bình gas mini đốt một ít. Sau 3 giây đốt lên, gạo đã cháy đen, mùi hôi như nhựa, sau đó vón cục.

Phóng viên báo NLĐ đã gửi mẫu gạo "lạ" nêu trên đi kiểm nghiệm. Kết luận cho thấy thành phần gạo là glucid, protein và không có tạp chất lạ.

TS Trần Quốc Trong, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng gạo anh Bình mua có biểu hiện lạ có thể do để lâu hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển không tốt khiến chất lượng giảm sút.

Nỗi ám ảnh gạo nhựa, độc lan tràn

Vài năm trước, thông tin gạo giả sản xuất tại Trung Quốc tràn khắp châu Á khiến người tiêu dùng hoang mang.

Tờ Straits Times (Singapore) năm 2015 thông tin, gạo nhựa được làm từ khoai tây, khoai lang nghiền nát và nhựa tổng hợp, sau đó trộn lẫn vào nhau rồi ép khuôn thành hình như hạt gạo thật. Tuy nhiên, chúng rất cứng sau khi nấu và ăn vào có cảm giác khó tiêu, nếu nấu cháo thì xuất hiện màng nhựa. Khi đốt trên lửa, hạt gạo bay ra mùi nhựa cháy khét.

Gạo nhựa đốt cháy khét lẹt: Xôn xao, lan truyền nỗi sợ - 4
Gạo giả bằng nhựa ở Trung Quốc

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cảnh báo, ăn gạo giả có thể dẫn đến tử vong hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng hệ tiêu hóa. Có thông tin cho rằng ăn 3 chén cơm nấu từ gạo giả tương đương với việc cho vào bụng 1 túi ni-lông.

Nhưng do gạo giả mang đến lợi nhuận khổng lồ nên nó vẫn được bán tràn lan. Gạo nhựa Trung Quốc được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Bộ Y tế lên tiếng về thông tin ‘gạo giả’

Vào năm 2015, trước thông tin gạo giả xuất hiện tràn lan tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá hoang mang.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, thực tế thông tin “gạo giả” đã từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012, song tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng, thông tin đó là không chính xác.

Trước thông tin về gạo giả, một chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, khả năng gạo bị làm giả là rất khó. Gạo thông thường chỉ có giá từ vài chục nghìn đồng/kg, trong khi tính tổng các chi phí nguyên liệu và công nghệ để làm gạo giả như lan truyền thì giá thành thậm chí sẽ đắt hơn. Hơn nữa, nếu có nhựa, khi nấu sẽ có mùi rất khó chịu.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)

Nổi bật