Đến nay, đã xác định được 28 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong đó Núi Pháo, Formosa Hà Tĩnh... Các dự án này đều được quan trắc xả thải online gửi về sở TNMT các tỉnh.
Ngoài ra, Bộ TNMT còn kiểm tra định kỳ hoặc bất thường”, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho biết tại cuộc họp báo ngày 27.11.
28 cơ sở được kiểm soát đặc biệt
Tại họp báo, Phó Tổng cục Trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, sau sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ TNMT đã tiến hành lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Đề án cũng phân loại ra 16 nhóm nghề cần phải kiểm soát đặc biệt về môi trường gồm: Sản xuất thép, dệt nhuộm, khai thác khoáng sản đa kim và các doanh nghiệp xả thải lớn.
Trong 16 nhóm nghề này có 28 cơ sở kiểm soát đặc biệt, trong đó, có Formosa, Bôxít Tây nguyên, khai thác quặng đa kim như Núi Pháo. Trong đề án cũng có khoảng 300 cơ sở sản xuất, dự án ở mức thấp hơn, nhóm này sẽ do các tỉnh sẽ triển khai kiểm tra, giám sát để đôn đốc thực hiện về bảo vệ môi trường.
Theo ông Thức, đề án sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao theo hai cách. Thứ nhất, lập một danh mục các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao để kiểm soát đặc biệt với nhiều giải pháp tổng thể như với Formosa hiện nay. Thứ hai, kiểm soát thường xuyên theo chương trình công tác hằng năm để có biện pháp kịp thời.
“Với những cơ sở nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt, nếu trong thời gian 2-3 năm mà làm tốt, đầu tư về công nghệ, các chất thải đã kiểm soát được thì cũng cơ chế đưa doanh nghiệp ra khỏi danh mục đó. Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp chưa vào danh mục kiểm soát đặc biệt nhưng trong quá trình kiểm tra, đánh giá thấy cần đưa cơ sở đó vào nhóm kiểm soát đặc biệt thì cũng có thể bổ sung vào” - ông Thức cho biết.
Formosa bỏ 100 triệu lắp đặt thiết bị khử khí thải
Về vụ việc báo chí nêu ra trong thời gian gần đây, năm 2014, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, Bùi Cách Tuyến ký công văn số 68, cho phép Formosa Hà Tĩnh) sử dụng hàm lượng ôxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%, trong lúc QCVN 51:2013 là 7%.
Trả lời về việc này tại họp báo, đại diện Bộ TNMT cho biết, trong quá trình rà soát kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra, việc ban hành các văn bản pháp lý chưa phù hợp liên quan đến FHS đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Bộ TNMT khẳng định, việc phát thải của Formosa trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TNMT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải.
“Để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TNMT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc” - đại diện Bộ TNMT cho biết.
Để khắc phục việc xả khí vượt chuẩn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Formosa đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6.2019.
Theo Thông Chí (Lao Động)