'Dân có khỏi sốc khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?'

16/11/2017 15:09:00

Chất vấn chiều 16/11, đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là phải có cảnh báo thường xuyên kịp thời về sức khỏe của các ngân hàng.

Chiều 16/11, Quốc hội tiếp tục các vấn đề chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

2 vấn đề lớn 

- Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.

- Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Những người trả lời chất vấn Quốc hội

- Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

- Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. 

Các thành viên khác của Chính phủ có thể cùng chia lửa với các vị trưởng ngành, tùy thuộc vào vấn đề đại biểu nêu.

Trước khi kết thúc 3 ngày chất vấn, Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 giờ cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đại biểu Quốc hội. 

Hiệu quả tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng đến đâu?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tiền Giang, dẫn báo cáo của kiểm toán nhà nước cho biết kết quả tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng vẫn chưa thể hiện được hiệu quả, tín dụng thua lỗ, tài chính chưa hiệu quả. Ông mong Thống đốc trả lời.

Đại biểu lo chuyện vốn đầu tư đường cao tốc

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng tranh luận. Ông khen phần trả lời của Thống đốc là hay, trọng tâm, nhưng lo lắng việc ngày 24/11 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết đầu tư đường cao tốc.

Dự kiến số tiền vay hệ thống ngân hàng trên 50.000 tỷ.

“Thống đốc nói sẽ kiểm soát cho vay dự án BOT nhưng yếu tố tắc nghẽn là vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do ràng buộc pháp lý như không được dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. BOT Trung Lương, Mỹ Thuận hiện nay đang vướng vấn đề này”, ông nói.

'Dân có khỏi sốc khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?'

Ông muốn được nghe thêm vấn đề cho vay BOT từ Thống đốc.

Chưa nhận được đề xuất của ĐH FPT về thu học phí bằng bitcoin

Còn về Bitcoin, Thống đốc cho hay là vấn đề không chỉ của Việt Nam. Nhiều nước cũng đang nghiên cứu. Các nước có quy tắc, có nước cấm tuyệt đối, một số chỉ khuyến cáo, có nước cho Bitcoin là phương tiện thanh toán nhưng rất ít.

Quan điểm của NHNN là quy luật pháp luật hiện hành thì Bitcoin không phải là đồng tiền pháp định, phương tiện thanh toán. Nhìn nhận Bitcoin dưới giác độ tài sản, hàng hoá thì còn ý kiến khác nhau.

NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để có cơ sở pháp lý quản lý Bitcoin, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để đảm bảo.

Ông Hưng cũng cho biết chưa nhận được đề xuất chi tiết của Đại học FPT liên quan đến thu học phí bằng Bitcoin. Khi nhận được thì NHNN sẽ hướng dẫn trong thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền, cơ quan này sẽ tham vấn với các cơ quan liên quan để thống nhất và có hướng dẫn.

Với vấn đề vàng, ông Hưng cho biết những năm trước tốn nhiều ngoại tệ để nhập vàng nhưng nhiều năm qua, thị trường vàng ổn định. Chúng ta không mất ngoại tệ mua vàng để phục vụ nhu cầu mua bán vàng miếng.

Liên quan đến cam kết bảo hiểm tiền gửi, quan điểm của Đảng, Quốc hội, trong bất cứ trường hợp nào xử lý với tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là đảm bảo hệ thống, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nên trong dự thảo Luật TCTD sửa đổi thì Chính phủ đề xuất giải pháp rất cụ thể.

Bố trí mạng lưới ATM hợp lý hơn

Về các bất cập liên quan đến bố trí ATM, ông Lê Minh Hưng cho biết có đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Sắp tới, mạng lưới ATM sẽ được rà soát, bố trí hợp lý hơn.

Kiểm soát rủi ro cho vay BĐS, BOT

Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến phân bổ vốn tín dụng chênh lệch cho các ngành “hot” như bất động sản, BOT, ông Lê Minh Hưng nói mặt bằng lãi suất những năm vừa qua có giảm. Mặt bằng bình quân lãi suất trung dài hạn 9-10%.

Vừa qua, có một số ngân hàng cho vay dự án BOT nhưng thời gian qua NHNN kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào BOT, bất động sản.

Với BOT, tốc độ tăng tín dụng thấp hơn năm trước, tỷ trọng cho vay BOT chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ, nợ xấu kiểm soát.

10 tháng đầu năm, cho vay bất động sản khoảng 7,1% so với trên 10% năm ngoái.

Thời gian tới, NHNN vẫn kiểm soát. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn đối với BOT, bất động sản nên ngân hàng vẫn cho vay nếu nhà đầu tư có phương án tốt, năng lực.

Việc cho vay bất động sản cũng được kiểm soát bằng tỷ lệ, ví dụ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Thống đốc cho biết việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu là nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông, NHNN rất nỗ lực, là một trong những bộ ngành từ 2016 tập trung xây dựng đề án liên quan đến ngân hàng.

Để xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội. NHNN có hội nghị trực tuyến toàn quốc đến cùng dự, chia sẻ nội dung liên quan quy định của Nghị quyết 42 và chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để làm cơ sở nhân rộng.

Về xử lý các ngân hàng yếu kém, ông cho biết Chính phủ quyết liệt hoàn thiện phương án xử lý nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn, chúng ta huy động nguồn lực xã hội nên phải huy động nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng muốn mời được nhà đầu tư thì lại cần có hành lang pháp lý hoàn thiện.

Giảm lãi suất là nhiệm vụ ưu tiên

Về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trong điều hành chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng luôn đặt nhiệm vụ giảm chi phí, lãi suất lên hàng đầu. Lãi suất Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan điểm xuyên suốt là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát mức thấp.

NHNN cũng chỉ đạo TCTD trong hoạt động kinh doanh phải tiết giảm chi phí để giảm chi phí cho vay, đẩy nhanh xử lý nợ xấu qua đó giảm lãi suất cho vay.

Vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, dưới 12 tháng nhưng nhu cầu lại chủ yếu trung, dài hạn nên ông Hưng lưu ý trong điều hành vĩ mô cần lưu ý.

Liên quan câu hỏi đại biểu Trần Công Thuật về cơ cấu lại TCTD, ông Hưng cho biết trên cơ sở đánh giá lại, tổng kết tình hình thực hiện cơ cấu TCTD, kết quả đạt được đã được tổng kết. Tuy nhiên trên cơ sở đó, NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại. NHNN có chỉ thị với toàn ngành, triển khai thực hiện quyết định 1058 cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.

Thời gian qua, tới, NHNN sẽ ban hành văn bản, quy định để đảm bảo an toàn, như tỷ lệ đảm bảo an toàn, thông tư góp vốn mua cổ phần...

“Tôi cho rằng nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy là giải pháp then chốt. Tiếp đó là tăng cường năng lực quản lý, quản trị điều hành của các TCTD; đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng thanh tra giám sát của NHNN; nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm”, ông Hưng phát biểu.

Sau giờ giải lao, Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn. Ông cho biết đang sửa đổi NĐ 55 về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Cá nhân, hộ gia đình cũng có thể được vay vốn. Đối tượng vay vốn được mở rộng. Quy định khác được bổ sung là tổ chức tín dụng được nhận tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước chưa đồng hành với nông dân?

Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa nêu câu hỏi liên quan đến quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó việc phát triển quỹ này giúp cải thiện đời sống nhân dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen. Tuy nhiên, thời gian qua 1 số quỹ tín dụng hoạt động yếu kém gây ảnh hưởng hoạt động an ninh trật tư và tình hình kinh tế xã hội ở 1 số địa bàn nơi quỹ đó hoạt động.

Thủ tướng đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi suất đối với các khoản vốn vay, tạo điều kiện kéo dài thời gian vay vốn của các hộ chăn nuôi tránh việc phải đảo nợ gây khó khăn để yên tâm sản xuất.

NHNN đã ban hành công văn 3091 hướng dẫn các TCTD chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ttức là chỉ điều chỉnh thời gian trả nợ gốc hoặc lãi trong thời hạn cho vay, chứ thời hạn vay không thay đổi. Nhiều người chăn nuôi đến kỳ trả nợ, phải vay vốn đảo nợ trong đó có vay bằng tín dụng đen. Theo đại biểu, điều này cho thấy NHNN chưa thực sự đồng hành với người chăn nuôi. Đề nghị thống đốc cho biết trách nhiệm về vấn đề được giao?

Tăng trưởng tín dụng không tạo áp lực lên lạm phát

Trả lời về thách thức tăng trưởng tín dụng mức 18% cho năm 2017, ông Lê Minh Hưng cho biết từ khía cạnh ngân hàng, NHNN xây dựng kịch bản điều hành mức tăng như vậy, có điều chỉnh linh hoạt tuỳ diễn biến kinh tế vĩ mô.

Cuối tháng 10, tổng tăng trưởng là 13,66%, tăng 1 điểm phần trăm so cùng kỳ, không có gì đột biến.

Nhìn vào cơ cấu tín dụng 10 tháng đầu năm 2017 tập trung lĩnh vực ưu tiên.

"Mức tăng từ nay đến cuối năm phù hợp với khả năng hấp thụ, không tạo áp lực lên lạm phát, kinh tế, chất lượng được kiểm soát", Thống đốc khẳng định. 

'Dân có khỏi sốc khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?' - 1

Trước phản ánh của đại biểu về việc cho vay nông nghiệp sạch và doanh nghiệp khó tiếp cận, tư lệnh ngành ngân hàng đưa ra thực tế quá trình triển khai chính sách này khoảng 6 tháng. Đến nay, dư nợ đạt 36.000 tỷ đồng trong gói 100.000 tỷ, kỳ hạn dài chiếm gần 60%.

“Quá trình ngắn vậy mà con số như vậy tôi cho là khá cao. Trong tổng dư nợ có khoảng hơn 6.400 khách hàng tiếp cận”, ông nói.

"Hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo là ưu tiên"

Lần đầu trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng khá tự tin giải trình từng vấn đề đại biểu nêu.

Về Nghị quyết 42, ông Lê Minh Hưng khẳng định đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng, có ích trong việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Các cử tri là ngân hàng phấn khích, tin tưởng khuôn khổ pháp lý.

Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8, NHNN có những giải pháp triển khai rất cụ thể, rà soát quyết liệt.

Ông cũng cho biết một số vấn đề còn tồn tại, trong đó có việc tài sản còn vướng kê biên.

Với một số vụ việc nợ xấu liên quan vụ án cơ quan pháp luật đang điều tra thì NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, VAMC làm việc với cơ quan chức năng trong từng vụ cụ thể.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng phải thực hiện. Hồ sơ pháp lý chủ yếu liên quan đến tài sản là bất động sản. Trong quá trình, việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo là vấn đề ưu tiên. 

Thống đốc có giải pháp gì để huy động vốn trong dân?

Đại biểu Lê Công Nhường, Bình Định thì cho rằng vốn trong dân rất lớn, nếu dân có niềm tin thì giúp đất nước phát triển.

Ông lấy ví dụ về việc hiến 5.000 lượng vàng của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô. Còn hiện tại vốn trong dân là “vốn chết”. Thống đốc có giải pháp gì để huy động?

Đại biểu cũng đề cập câu chuyện bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản, đặt câu hỏi cho Thống đốc.

Ông cũng hỏi quan điểm của Thống đốc liên quan câu chuyện FPT, Cốc Cốc thu phí bằng Bitcoin hay không.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn, có hai câu hỏi chất vấn. Ông cho biết lãi suất cho các dự án đầu tư 12%/năm làm tăng giá thành. Lãi suất cao, tín dụng có xu hướng đổ vào BOT giao thông, bất động sản là nơi có dự án lớn, thời gian vay dài nên lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, khu vực tạo ra nhiều việc làm cho xã hội khó tiếp cận. Đại biểu đặt câu hỏi cho Thống đốc tìm giải pháp cho việc này. Đại biểu Thành cũng nêu thực tế 25.000 sinh viên nhưng có 6 ATM. Điều này cho thấy tình trạng bất bình đẳng giữa bên cung cấp và bên dùng dịch vụ. Thống đốc có giải pháp gì?

Người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Gia Lai nói người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng.

"Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề", ông Vượt nêu và chất vấn Thống đốc có giải pháp đột phá gì để xử lý nợ xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu TCTD trong hiện trạng ưu đãi đầu tư nước ta còn thấp?

Đại biểu Trần Công Thuật - Quảng Bình - ghi nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông vẫn còn nhiều vấn đề.

Ông Thuật cũng chuyển thống đốc 2 câu hỏi của cử tri. Một là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường?

Hai là thống đốc sẽ làm gì để giảm lãi suất cho vay để nâng cao kinh tế vĩ mô ổn định hệ thống?

Đại biểu lo khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyến, An Giang, chất vấn 2 câu hỏi. Đầu tiên là nhằm đạt tăng GDP, giải trình của NHNN thì điều chỉnh tín dụng tăng 18% nhưng 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 12%. Khả năng hấp thụ những tháng còn lại có hạn, tăng trưởng tín dụng là thách thức lớn và Thống đốc có giải pháp gì.

Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc khó tiếp cận tín dụng của DN nông nghiệp công nghệ cao.

'Dân có khỏi sốc khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?' - 2

Là người đầu tiên chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm - Hà Nam - nêu câu hỏi liên quan đến xử lý nợ xấu.

Bà cho rằng nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được ban hành với kỳ vọng phá tan được cục máu đông nợ xấu nhưng khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý nợ xấu tài sản do nhiều tài sản liên quan tới các vụ án, chưa thể hoàn tất hồ sơ. Vậy sự chưa hoàn thiện này là vấn đề gì? Giải pháp của ngành để khắc phục?

Dự trữ ngoại hối tăng lên 46 tỷ USD

Ông Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước là ngành có chính sách gắn bó gần gũi với sản xuất của doanh nghiệp, xã hội. Ngân hàng Nhà nước luôn xem việc trả lời ý kiến của cử tri là việc làm thường xuyên. NHNN có báo cáo kết quả thực hiện gửi các đại biểu. Toàn ngành triển khai quyết liệt, kết quả đạt được tích cực. Mặt bằng lãi suất đảm bảo, tín dụng tăng an toàn, dự trữ ngoại hối tăng cao nhất. Từ đầu phiên khai mạc đến nay thì dự trữ tăng 1 tỷ USD. Đến nay thì dự trữ ngoại hối tăng lên 46 tỷ USD.

'Dân có khỏi sốc khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?' - 3

48 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trước khi trả lời chất vấn, ông Lê Minh Hưng có 3 phút báo cáo trước Quốc hội.

Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)