Dư tiền tỷ trong két, nhà giàu lách cửa riêng gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao

10/03/2022 17:18:09

Dù mặt bằng lãi suất huy động thấp, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn có thể chọn được ngân hàng có lãi suất huy động cao thời gian này.

Gửi tiết kiệm hưởng lãi cao

Báo cáo của Công ty Chứng khoán bảo Việt (BVSC) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động bình quân thay đổi không đáng kể đối với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 6 tháng chỉ tăng 0,003 điểm % trong tháng 2, đạt 4,795%/năm. Trong khi lãi suất huy động 12 tháng giảm 0,006 điểm %, xuống còn 5,545%/năm.

So với cùng kỳ năm 2021, lãi suất trung bình 6 và 12 tháng hiện thấp hơn lần lượt 0,05 và 0,14 điểm %.

Khảo sát các ngân hàng thương mại cho thấy lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 6 tháng thấp nhất  là 4%/năm và cao nhất  là 6,25%/năm. Kỳ hạn 9 tháng thấp nhất là 4%/năm và cao nhất là 6,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 5%/năm và cao nhất là 7%/năm.

Với gửi online, kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 4%/năm và cao nhất là 6,65%/năm. Kỳ hạn 9 tháng thấp nhất là 4%/năm và cao nhất là 6,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, thấp nhất là 5,3%/năm và cao nhất là 7,2%/năm.

Dư tiền tỷ trong két, nhà giàu lách cửa riêng gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao
Vẫn có những ngân hàng có lãi suất huy động cao

Gửi online với kỳ hạn 12 tháng, cao nhất là Nam Á Bank đang huy động với 7,2%/năm, tiếp đến là SCB 7%/năm, Vietbank 6,8%/năm. Với kỳ hạn 9 tháng, cao nhất là SCB với 6,8%/năm, Nam Á Bank 6,5%/năm và CBbank 6,45%.năm. Kỳ hạn 6 tháng, cao nhất là SCB 6,65%/năm, CBbank 6,35%/năm và Nam Á bank 6,2%/năm.

Gửi tại quầy, kỳ hạn 12 tháng, cao nhất là SCB 7%/năm, Oceanbank 6,55%/năm, Bắc Á bank, Kiên Long bank, Vietbank 6,5%/năm. Kỳ hạn 9 tháng cao nhất là SCB 6,4%/năm, CB bank 6,35%/năm và Vietbank 6,2%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, cao nhất là CBbank 6,25%/năm, Bắc Á bank, Oceanbank 6%/năm và SCB 5,9%/năm.

Những khách hàng có tiền gửi tiết kiệm vẫn có thể chọn được các ngân hàng có lãi suất huy động cao trong thời gian này, cụ thể như kỳ hạn 12 tháng gửi online hưởng từ 7-7,2%/năm hay gửi tại quầy hưởng từ 6,55-7%/năm.

Hiện tại, thanh khoản của các ngân hàng đã đỡ căng thẳng hơn so với nửa đầu tháng 2, nên mặt bằng lãi suất huy động dự báo sẽ không tăng. Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng cao ngay những tháng đầu năm 2022 và giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào đang tăng mạnh, cho thấy áp lực lạm phát rất lớn. Vì vậy, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo công bố mới đây từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của dân cư tăng chậm hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế trong năm 2021. Số lượng tiền gửi dân cư cuối tháng 12/2021 tăng 158.623 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương ứng 3,08%, lên hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Lãi suất huy động tiền đồng ở mức thấp được cho là nguyên nhân dẫn đến lượng tiền gửi dân cư chảy vào các nhà băng kém.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% so với cùng kỳ, trong khi trước dịch Covid-19 mức trung bình khoảng 10,8%. Điều này phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh. Tỷ lệ này sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm.

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng trở lại từ 0,25%-0,5%/năm.

Một số chuyên gia cho rằng, khách hàng nên gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 6 tháng để tất toán nhanh, sau đó có thể lựa chọn gửi tiết kiệm tiếp khi lãi suất tăng.

Dư tiền tỷ trong két, nhà giàu lách cửa riêng gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao - 1
Khó vay được vốn với lãi suất thấp

DN lo lãi suất tăng

Với các mức lãi suất huy động như trên, cộng biên độ từ 3-4%/năm thì tính ra lãi suất cho vay vẫn khá cao. Một số khách hàng cho hay, hiện vay vốn kỳ hạn 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đều từ 9-9,5%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng từ 10,5-11%/năm. Rất ít DN có thể vay được ở mức 7%/năm. Cho dù có vay được với mức này thì cũng chỉ được 3 tháng đầu, sau đó các ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất tăng.

Với lãi suất huy động giảm thấp như thời gian qua mà lãi vay vẫn giữ ở mức cao, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động hiện nay sẽ khó hy vọng lãi vay giữ nguyên, chứ không nói đến chuyện sẽ được giảm.

Các ngân hàng cũng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay và dư địa giảm lãi suất cho vay không còn. Nếu lãi suất cho vay tăng trở lại, sẽ cản trở DN trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều bất định.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chia sẻ, để có hàng trăm đầu xe hoạt động vận tải hàng hoá, công ty phải đi vay gần trăm tỷ đồng. Nếu lãi suất tăng 1%/năm, mỗi tháng công ty phải trả thêm cả trăm triệu đồng chi phí vốn.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội DN về Dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, sẽ không hạ chuẩn tín dụng và phải chứng minh khả năng trả nợ. Không những thế, một số ngân hàng thương mại có thể không mặn mà triển khai, gói hỗ trợ này do lợi nhuận thấp, áp lực từ thanh kiểm tra, phải báo cáo thường xuyên và những rủi ro không được quyết toán... nên cũng có thể sẽ tìm cách hạn chế, siết chặt.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, trong bối cảnh hơn 90% DN đang gặp khó khăn, việc siết chặt điều kiện cấp tín dụng với gói này sẽ khiến việc tiếp cận không hề dễ dàng.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)

 

Nổi bật