Cuối năm ngoái, Mỹ đã thông qua luật cải cách thuế lớn nhất hơn 30 năm. Một trong những thay đổi sẽ được thực hiện là thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 21%, từ đầu năm nay.
"Chúng ta sẽ cạnh tranh hơn trên toàn thế giới. Các công ty của chúng ta sẽ không rời quê hương vì thuế quá cao nữa", CNBC trích lời Tổng thống Mỹ - Donald Trump trong một cuộc họp nội các gần đây cho biết. Ông cho rằng những thay đổi về cấu trúc thuế cho doanh nghiệp sẽ khuyến khích nhiều công ty chuyển hoạt động về Mỹ và thuê nhiều nhân viên hơn.
Tuy nhiên, việc này có thể gây tác động tiêu cực lên các đối tác nước ngoài của Mỹ. "Việc cải tổ này có thể gây ảnh hưởng lên các khoản đầu tư có liên quan tới Mỹ tại Việt Nam. Các công ty Mỹ có thể xem xét lại chiến lược đầu tư tại các thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, "Họ có thể rút ra lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển hoạt động về Mỹ, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đây là điều đáng quan tâm với nền kinh tế của chúng ta".
Dù vậy, theo ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, điều đáng lo hơn là một số nước có thể đưa ra ưu đãi thuế để thuyết phục doanh nghiệp Mỹ ở lại. Việc này có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút nhà đầu tư ngoại. Ông cho rằng Việt Nam nên theo sát động thái của các nước để thích ứng với tình hình mới.
"Trung Quốc đã hành động kịp thời sau khi Mỹ có động thái như nêu trên", ông cho biết trên Tuổi Trẻ. Nền kinh tế lớn nhì thế giới gần đây thông báo sẽ tạm thời miễn thuế cho các công ty Mỹ để ngăn các công ty này rút lợi nhuận khỏi Trung Quốc.
Để được hưởng ưu đãi, các công ty nước ngoài phải đầu tư số lợi nhuận này vào lĩnh vực được Chính phủ Trung Quốc ưu tiên, như đường sắt, khai mỏ, công nghệ và nông nghiệp, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trên New York Times.
Động thái này sẽ "thúc đẩy tăng trưởng đầu tư nước ngoài, cải thiện chất lượng đầu tư và khuyến khích họ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Trung Quốc", Bộ này cho biết.
Trên Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng Việt Nam nên thận trọng với làn sóng giảm thuế tại các nước khác. Dù thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ là 20% - thấp hơn cả mức mới của Mỹ - 21%, chi phí kinh doanh vẫn còn cao do các khoản "chi phí không chính thức", ông cho biết.
Khoản này chiếm tới 10% tổng chi phí kinh doanh, ông Chiểu trích thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. Ông cho rằng Việt Nam nên giảm thủ tục hành chính, ngăn chặn tham nhũng và các chi phí không chính thức.
Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài cho biết sẽ phải mất một thời gian nữa, tác động đầy đủ của các chính sách này mới phản ánh lên Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nên quá lo lắng việc các công ty Mỹ rút đầu tư khỏi đây, do thuế chỉ là một trong các vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc. Môi trường kinh doanh, nhân lực và nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định.
Trong một báo cáo gần đây về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Phòng thương mại Mỹ (AmCham) cho biết Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư. Khoảng 36% công ty Mỹ được khảo sát cho biết muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, so với chỉ 21% tại Thái Lan và 19% tại Malaysia. Đến cuối tháng 10/2017, Mỹ đã rót 9,4 tỷ USD vào Việt Nam, xếp thứ 9 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đổ tiền vào đây.
Mỹ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không hoàn toàn là tin xấu với Việt Nam, ông Hiếu nhận xét. Chính sách mới được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng tại Mỹ. Việc này có thể kéo nhu cầu hàng hóa lên cao, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
"Đây là cơ hội tốt để chúng ta thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này", ông nhấn mạnh. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 8%. Còn tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 21,1% lên kỷ lục 213,7 tỷ USD.
Theo VnExpress.net