Eximbank thông qua việc chuyển trụ sở ra Hà Nội, miễn nhiệm Thành viên HĐQT và BKS

28/11/2024 18:32:04

Đó là các Nội dung quan trọng được thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Eximbank, diễn ra sáng nay, 28/11 tại Hà Nội.

Eximbank “Bắc tiến” để mở rộng thị trường

Tại Đại hội, một cổ đông đặt câu hỏi đề cập đến việc chuyển trụ sở có ảnh hưởng đến quyền lợi nhân viên ngân hàng phía Nam không, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank khẳng định: “Việc này hoàn toàn là vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của ngân hàng. Dời trụ sở chính ra Hà Nội là nhân đôi nhân sự, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”. 

Eximbank thông qua việc chuyển trụ sở ra Hà Nội, miễn nhiệm Thành viên HĐQT và BKS
Đại hội cổ đông bất thường Eximbank sáng 28/11.

Theo Chủ tịch HĐQT Eximbank Nguyễn Cảnh Anh, các cơ quan chức năng đều tôn trọng quyền tự quyết của ngân hàng trong việc chuyển trụ sở ra Hà Nội. Trước những thông tin không xác thực đang tràn lan trên mạng xã hội, ông Cảnh Anh khuyến cáo cổ đông chỉ nên tin vào những nguồn tin chính thống đã được xác minh.

Chuyển trụ sở là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mang tính bước ngoặt của ngân hàng sau 35 năm hoạt động, thể hiện quyết tâm, hành động mạnh mẽ trong hành trình tái cơ cấu và chuyển mình hướng tới các mục tiêu chiến lược của Eximbank từ TPHCM ra Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank định hình một chiến lược phù hợp trong thời gian tới. “ Eximbank có 2,4 triệu khách hàng và con số này không tăng trong 10 năm, trong khi ngân hàng khác đã tăng trưởng và đi khắp mọi miền Tổ quốc. 

Eximbank là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam , chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc, tăng độ nhận diện thương hiệu miền Bắc, phát triển các mảng kinh doanh, logistics, hạ tầng, không riêng tài chính.

Xác định thị trường đang ở giai đoạn bão hòa, Eximbank cần duy trì và mở rộng để theo kịp ngân hàng bạn trong ít nhất 3 năm nữa”. 

Eximbank thông qua việc chuyển trụ sở ra Hà Nội, miễn nhiệm Thành viên HĐQT và BKS - 1

Ông Hải cho biết HĐQT đã tham khảo các cơ quan chức năng và thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong việc trình kế hoạch chuyển trụ sở chính. 

Bình luận về việc này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc chuyển trụ sở không ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng, càng không ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và thị trường nói chung.

“Việc chuyển trụ sở là quyền của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ có ý kiến khi ngân hàng đó đang trong diện yếu kém cần phải kiểm soát. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra khuyến cáo về các vấn đề cần lưu ý. Còn trong trường hợp ngân hàng đang hoạt động bình thường thì Ngân hàng Nhà nước không có lý do gì mà không đồng ý”, luật sư Đức nhấn mạnh.  

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc chuyển trụ sở sẽ ảnh hưởng tích cực đến chiến lược lâu dài của Eximbank.  Ông Hiếu nói: “Eximbank cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ HĐQT cũng như ban điều hành. Việc thay đổi trụ sở có thể là một trong những tác động sẽ đưa Eximbank vào quỹ đạo của sự phát triển ổn định, lâu dài trong giai đoạn tới”.

Miễn nhiệm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát

Hôm nay, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank cũng thông qua việc miễn nhiệm hai Thành viên HĐQT Nguyễn Hồ Nam, Lương Thị Cẩm Tú, đồng thời thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với ông Ngo Tony. 

Trước đó, đã có nhóm cổ đông sở hữu hơn 5% vốn điều lệ gửi đơn kiến nghị miễn nhiệm các thành viên nói trên. 

Đây là vấn đề rất được quan tâm tại đại hội lần này. Phân tích về động thái đề xuất miễn nhiệm các thành viên HĐQT và BKS của Eximbank, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho biết, các ngân hàng đều chịu sự điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, và cả Luật Chứng khoán nếu là ngân hàng thương mại cổ phần. 

Ngoài ra, mọi hoạt động của ngân hàng đều phải tuân theo Điều lệ ngân hàng do chính ĐHĐCĐ thông qua. Do đó, việc miễn nhiệm/bầu bổ sung các thành viên HĐQT, BKS là việc hết sức bình thường.

“Ngân hàng cũng giống như một doanh nghiệp, cũng có HĐQT, BKS. Trong HĐQT sẽ có những thành viên đại diện cho nhóm cổ đông lớn có vai trò "cầm trịch", điều phối chung, trong đó có thể có những sự liên minh, liên kết giữa các nhóm cổ đông. Điều đó là hiển nhiên và cũng không hề trái luật khi nhóm cổ đông có sự đồng thuận trong việc đề xuất miễn nhiệm hoặc đề cử bầu bổ sung cá nhân nào trước ĐHĐCĐ”, TS. Lê Bá Chí Nhân phân tích.

“Kể cả thành viên HĐQT hay thành viên BKS, nếu anh làm việc không hiệu quả thì cổ đông có quyền đề xuất miễn nhiệm và ĐHĐCĐ có quyền bỏ phiếu thông qua để bầu người khác thay thế. Hoạt động của ngân hàng phụ thuộc vào cả một hệ thống chứ không phục thuộc vào một vài cá nhân”, TS. Nhân nói.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật