Nội tệ yếu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu và kéo khu vực đồng euro ra khỏi nguy cơ giảm phát.
Chủ tịch ECB - Mario Draghi đưa ra chương trình nới lỏng trị giá 1.100 tỷ USD với hi vọng có thể cứu nền kinh tế khỏi suy thoái và giảm phát. Tuy thừa nhận những lợi ích kinh tế mà đồng euro yếu mang lại, ông vẫn phủ nhận mình đang cố duy trì nội tệ yếu.
Euro đã mất giá liên tục so với các tiền tệ khác trong những tháng gần đây. Ảnh: Guardian |
Hôm qua, một euro chỉ đổi được gần 1,05 USD, yếu nhất từ tháng 1/2003. Từ đầu năm, đồng tiền này đã mất giá 13%, có khả năng biến quý I/2015 thành quý giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay. Việc eurozone phụ thuộc vào xuất khẩu, khi mảng này chiếm tới 50% GDP, đã khiến sự trượt dốc này đặc biệt có tác dụng. Hôm qua, ECB cho biết đã mua lại 9,75 tỷ euro trái phiếu tuần trước.
Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs dự đoán trong 6 tháng tới, euro sẽ ngang giá với USD. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cũng hy vọng chuyện này xảy ra, bởi nó sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế.
Nhà kinh tế học Christopher Matthies cho biết: "Khi đà phục hồi tăng tốc, lạm phát cơ bản sẽ tăng đáng kể do đồng euro yếu", ông nói. Bên cạnh đó, theo hãng nghiên cứu ING DiBa, euro cứ giảm giá 10% so với các đồng bạc khác, GDP khu vực này sẽ tăng thêm 0,3%.
Dù vậy, Draghi vẫn còn phải nỗ lực nhiều nữa mới có thể biến việc này thành lợi ích kinh tế hữu hình. GDP khu vực đồng euro chỉ tăng 0,9% năm 2014, trong khi chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cho rằng Draghi sẽ thành công. Chuyên gia kinh tế Peter Dixon cho rằng đồng euro rẻ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng khi các mắt xích yếu nhất trong khu vực lại không phải những nước xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu trên thế giới vẫn còn thấp. "Nếu cầu không lớn thì đồng tiền yếu hơn nữa cũng chẳng giúp được là bao. Cầu mới thực sự là vấn đề", Dixon cho biết thêm.