Duyệt phòng cháy, chữa cháy: Karaoke 'dài cổ' chờ được chấp thuận

07/04/2023 15:18:19

Chi phí sửa chữa các điểm kinh doanh vài chục tỷ đồng, thuê mặt bằng 250- 340 triệu đồng/tháng mỗi cơ sở, chủ chuỗi karaoke nói phải mang tài sản cá nhân đi thế chấp, vay tiền để duy trì nhưng chưa được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.

 

Việt Anh (30 tuổi, TP. Cần Thơ) ra khỏi nhà lúc 8h sáng, kết thúc công việc vào khoảng 24h đêm. Làm việc 16 tiếng mang lại cho anh thu nhập chừng 450.000 đồng/ngày, tương đương 13,5 triệu đồng/tháng.

Số tiền trên được anh sử dụng để duy trì sinh hoạt cho gia đình 4 thành viên (gồm vợ không có việc làm và 2 con nhỏ). Họ cùng sống tại một phòng trọ tại quận 7. Điều đáng nói, anh đang phải làm ba công việc khác nhau để có khoản thu nhập trên, gồm nhân viên quán karaoke, tài xế xe công nghệ, nhân viên phục vụ tại quán nhậu.

Sau vụ cháy quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) vào tháng 9/2022, nhà chức trách TP.HCM đã tổng kiểm tra hệ thống kinh doanh karaoke, bar, vũ trường trên toàn địa bàn, để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Do đó, quán karaoke, nơi Việt Anh làm việc phải đóng cửa, ngừng hoạt động để sửa chữa. Quán cắt giảm ngày công nên anh chỉ đi làm 3 ngày/tuần với nhiệm vụ chính là trông nom, bảo vệ cơ sở vật chất quán theo ngày. Nửa năm qua, tiền lương cơ bản còn 1/3 so với trước.

“Tôi phục vụ trong ngành karaoke được 7 năm, mức lương từng ổn định. Hiện tôi phải làm cật lực, không ngày nghỉ mới có được thu nhập trên. Do thất nghiệp quá lâu, nhiều bạn bè cùng nghề đã bỏ về quê”, Việt Anh chia sẻ.

Sửa xong vẫn bế tắc

Việt Anh chỉ là một trong hàng nghìn lao động tự do ngành kinh doanh dịch vụ karaoke bị ảnh hưởng. Lao động bị giảm lương và thất nghiệp, doanh nghiệp còn chịu tác động mạnh hơn. Đương nhiên, việc chưa đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy thì phải khắc phục, nhưng tại quán karaoke nơi Việt Anh làm việc chưa được nhà chức trách thẩm duyệt, cho hoạt động lại.

Duyệt phòng cháy, chữa cháy: Karaoke 'dài cổ' chờ được chấp thuận
Toàn bộ cánh cửa tại một quán karaoke bị tháo bỏ, thay bằng cửa khó cháy. (Ảnh: Trần Chung)

PV. VietNamNet nhẩm tính sơ bộ, quán karaoke nói trên đã đầu tư sữa chữa, thay thế bổ sung: 31 bộ cửa bằng vật liệu khó cháy với chi phí khoảng 12 triệu đồng/cửa; 3 tủ phòng cháy chữa cháy, giá 15 triệu đồng/tủ, đặt ở 3 tầng; bảng chuông báo cháy, hệ thống điện tự ngắt khi có sự số giá 30 triệu; 20 phòng hát với chi phí sửa chữa 45 triệu đồng/phòng cũng đã xong; toàn bộ là tường bê tông, không còn cách âm bằng vật liệu dễ cháy; hai lối thoát hiểm; nguồn nước tại chỗ cho họng bơm cứu hỏa; bảng chỉ dẫn thoát hiểm và đèn pha dẫn đường hành lang khẩn cấp...

“Cơ quan phòng cháy chữa cháy từng đến kiểm tra cơ sở. Chúng tôi đã nộp hồ sơ xin thẩm duyệt nhưng vẫn chưa được trả lời, không hiểu lý do cụ thể là gì”, đại diện quán karaoke thắc mắc.

Cũng theo người đại diện này, chi phí sửa chữa các điểm kinh doanh trong hệ thống đã tốn vài chục tỷ đồng. Chi phí duy trì thuê mặt bằng khoảng 12.000-15.000 USD/tháng/cơ sở (làm tròn khoảng 300 triệu đồng/tháng). Chủ sở hữu đang phải mang tài sản cá nhân đi thế chấp, vay tiền để duy trì hoạt động doanh nghiệp.

Tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chủ quán karaoke G.B.B khẳng định, việc kinh doanh chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Cơ sở vừa chịu thua lỗ sau 2 năm dịch bệnh, tiếp đó, phải ngừng hoạt động vì các quy định phòng cháy, chữa cháy. Nếu muốn quán đạt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thì gần như phải xây dựng lại từ đầu.

Duyệt phòng cháy, chữa cháy: Karaoke 'dài cổ' chờ được chấp thuận - 1
Hệ thống báo cháy tự động mới tại một quán karaoke. (Ảnh: Trần Chung)

Chưa có tiếng nói chung 

Thống kê từ PC07 TP.HCM, trong đợt cao điểm hoạt động kinh doanh karaoke, bar, vũ trường tại thành phố từ 7/9-15/12/2022, công an địa bàn đã kiểm tra 100% số cơ sở với tổng số lượt kiểm tra là 1.091 lượt. Cơ quan công an lập 377 biên bản vi phạm hành chính, số tiền xử phạt vi phạm hành chính  hơn 2,74 tỷ đồng.

Từ 16/12/2022-3/2023, công an các quận/huyện/TP. Thủ Đức đã kiểm tra 543 lượt; lập 88 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền 558 triệu đồng; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với 117 cơ sở.

Qua rà soát, TP.HCM phố có 449 cơ sở cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar; đến tháng 3/2023, còn lại 396 cơ sở (đã có 36 cơ sở giải thể, 17 cơ sở chuyển loại hình khác). 

Trả lời báo chí về vấn đề phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke, vũ trường, quán bar vào trung tuần tháng 3/2023, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng PC07, Công an TP.HCM cho biết, thành phố có 344 cơ sở đang không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; đã được hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế để thẩm duyệt. Tuy nhiên, có 58/343 cơ sở có thực hiện lập hồ sơ thiết kế trình PC07 đề nghị thẩm duyệt cải tạo và chỉ 2 hồ sơ đạt yêu cầu đã được cấp văn bản thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. 

Đại tá Tâm nhận định, thời gian qua, đã có nhiều cơ sở tiến hành cải tạo, sửa chữa, khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên, các điểm kinh doanh chưa lập hồ sơ đề nghị thẩm duyệt cải tạo, do đó chưa đảm bảo theo quy định.

Mặt khác, do khắc phục mà chưa có hồ sơ thiết kế được duyệt nên các cơ sở chưa khắc phục hết các nội dung tồn tại, vi phạm hoặc khắc phục chưa đảm bảo các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Tuy nhiên, đại diện một đơn vị kinh doanh tham dự cuộc đối thoại giữa PC07 và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn vào ngày 30/3 cho hay, phía PC07 giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp còn chung chung. Hiện không có đơn vị nào cụ thể ký quyết định để ban hành quy trình thẩm duyệt chi tiết hơn cho các đơn vị kinh doanh.

Theo Trần Chung - Hoàng Anh (VietNamNet)