“Cho thuê nhà nguyên căn” là nội dung tấm băng rôn lớn được treo bên ngoài một cơ sở kinh doanh karaoke nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM).
Ông Quân (48 tuổi), sống gần quán karaoke này, cho biết, người chủ đã chán không muốn kinh doanh. Họ thanh lý toàn bộ tài sản, trả mặt bằng. Số tiền đầu tư ban đầu khoảng 20 tỷ đồng nhưng họ chấp nhận mất, bỏ nghề. Bởi, kinh doanh karaoke đang gặp khó, từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trước đây, thông tin tiêu cực từ các vụ cháy, đến các đoàn kiểm tra.
Khúc đường Sư Vạn Hạnh từng có rất nhiều quán karaoke lớn, nhộn nhịp thì nay còn lại vài quán còn treo biển hiệu.
Đại diện một quán karaoke ở khu vực cho biết, quán hoạt động khoảng 4 năm nay, các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm định trước đó. Sau khi xảy ra vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương), quán đã cải tạo, sửa chữa xong với chi phí hơn 2 tỷ đồng, đã nộp hồ sơ xin thẩm duyệt nhưng chưa thấy phản hồi từ Phòng Cảnh sát Phóng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TP.HCM.
Karaoke hai miền đồng loạt kêu cứu
Tương tự như tình trạng của cơ sở kinh doanh trên, mới đây, chuỗi Karaoke ICool (TP.HCM) cũng có đơn kiến nghị xin cứu xét ngành karaoke gia đình gửi tới Chủ tịch UBND TP.HCM; Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.HCM).
Chuỗi này cho hay, từ tháng 10/2022 tới nay, khi bị yêu cầu khắc phục các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy theo quy định chung, đơn vị đã chấp hành nhưng đến khi hoàn thành, xin thẩm định thì thời gian kéo dài quá lâu, không có thời gian rõ ràng. Nhà chức trách vẫn yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Điều đáng nói, hệ thống karaoke này đã được duyệt phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện; có chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy... Căn cứ những pháp lý đó, doanh nghiệp đầu tư xấp xỉ nghìn tỷ (chủ yếu vốn vay) cho hoạt động karaoke gia đình. Hiện, với quy mô 20 chi nhánh trên cả nước, đơn vị không có nguồn thu nhưng vẫn phát sinh chi phí duy trì hoạt động; khả năng trả lãi vay ngân hàng không còn; 600 nhân viên, cộng tác viên không có việc làm trong thời gian dài.
Phía doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể để chuỗi karaoke hoạt động theo đúng quy chuẩn mới. Đưa ra mốc thời gian khắc phục hợp lý. Ngoài ra, nếu chủ trương Nhà nước muốn xóa sổ cũng cần hướng dẫn, đưa ra lộ trình chuyển đổi mô hình để đáp ứng thực tế.
Chung hoàn cảnh, anh Nam, quản lý karaoke FYou (đường 3/2, TP.HCM), cho hay, đơn vị đã hoàn thành 8 hạng mục theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Đơn cử, các vách ngăn trong phòng không có vật liệu dễ cháy; có mặt nạ phòng độc tại phòng, hành lang; hệ thống tự động ngắt âm thanh toàn bộ quán nếu phát hiện cháy; có hai lối thoát hiểm... Cơ quan chức năng đã tới kiểm tra và đạt yêu cầu. Dẫu vậy, nhà chức trách cho biết, vẫn đang đợi quy định từ ngoài Bộ.
Riêng chi phí sữa chữa, nâng cấp đã tốn khoảng 10 tỷ đồng, chi phí thuê nhà khoảng 300 triệu đồng/tháng mà doanh nghiệp chỉ nhận được câu trả lời chung chung, phải chờ đợi nhiều tháng nay. Doanh nghiệp đã trả mặt bằng 2/4 điểm kinh doanh karaoke của mình, nếu tình trạng kéo dài, đơn vị này sẽ bỏ nghề, theo anh Nam.
Tại Hà Nội, tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại đây cũng đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Đơn tập thể nêu, từ năm 2017, các hộ kinh doanh karaoke vẫn hoạt động, có các đoàn xuống kiểm tra định kỳ, được kết luận là đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Sau khi xảy ra vụ việc cháy quán Karaoke ISIS (Hà Nội) ngày 2/8/2022 và quán Karaoke An Phú (Bình Dương) ngày 6/9/2022, giới chủ kinh doanh karaoke đã ý thức các vấn đề liên quan đến cháy nổ.
Tuy nhiên, từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý phòng cháy, chữa cháy TP.Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Sau đợt kiểm tra, rất nhiều cơ sở bị tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ bởi đoàn kiểm tra kết luận, không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Sau khi nhận biên bản kiểm tra, cơ sở karaoke hầu như không biết phải sửa chữa sao? Dùng vật liệu gì cho đúng quy định mới của pháp luật trong khi việc kinh doanh thực hiện đúng quy trình thẩm duyệt, nghiệm thu của cơ quan nhà nước, hàng năm trước đều được kiểm tra định kỳ.
Tập thể các đơn vị kinh doanh karaoke cho hay, mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình khoảng 300-500 triệu đồng. Hàng nghìn phòng hát trên toàn TP có tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Từ khi có đợt kiểm tra tổng thể về phòng cháy chữa cháy đến nay, đã hơn 3 tháng mà chưa có văn bản hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được ban hành để các cơ sở karaoke có thể khắc phục cho đúng yêu cầu.
Do đó, giới kinh doanh karaoke đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể việc hiện sửa chữa địa điểm karaoke phù hợp quy định pháp luật. Từ đó, tránh sửa chữa sai, gây thất thoát tiền của cho người dân.
Theo Trần Chung (VietNamNet)