Sang tháng 9, một số ngân hàng như Techcombank, VPBank, ABBank, OceanBank,... tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, giảm thêm 0,1-0,4 điểm phần trăm so với tháng trước. Trước đó, trong nửa cuối tháng 8 cũng đã có hàng loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo xu hướng giảm.
Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng hiện nay cũng khá lớn, có thể chênh tới 1,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và chênh tới 2,5%/năm ở các kỳ hạn dài.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng
Khảo sát biểu lãi suất tại các ngân hàng cho thấy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng phổ biến từ 2,85%/năm – 4,25%/năm. Đa số ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng cùng một mức.
CBBank, DongABank, GPBank đang là 3 ngân hàng niêm yết lãi suất tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất thị trường, ở mức 4,25%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Eximbank, OCB, VietCapitalBank, Oceanbank, Sacombank, VietBank cũng có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng ở khoảng 4-4,15%/năm.
Techcombank là ngân hàng có lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng thấp nhất thị trường, chỉ từ 2,85%-3,05%/năm. Mức lãi suất nhà băng này còn thấp hơn cả Vietcombank, BIDV, VietinBank (có lãi suất từ 3,5-3,8%/năm).
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng tại quầy giao dịch của các ngân hàng đang là 4,4-7%/năm, tức chênh nhau tới 2,6%/năm.
CBBank đang là ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là 7%/năm. Sau CBBank có DongABank áp dụng mức 6,8%/năm, VietCapitalBank 6,5%/năm, PVCombank và SCB cùng niêm yết 6,4%/năm,…
HDBank, VIB, OCB đều cùng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 6%/năm.
Đa số các ngân hàng lớn niêm yết lãi suất kỳ hạn này dưới 6%/năm, như Sacombank là 5,7%/năm, ACB là 5,4%/năm; thậm chí Vietcombank chỉ có 4,4%/năm, Techcombank chỉ 4,6%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng
Một số ngân hàng đang công bố lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất lên đến 8,4%/năm, nhưng chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đối với các khoản tiền gửi nhỏ, dưới 1 tỷ đồng, lãi suất ở kỳ hạn này hiện phổ biến từ 4,9%/năm- 7,5%/năm, tức chênh nhau tới 2,6%/năm.
SCB là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với 7,5%/năm đối với kỳ hạn gửi 12 tháng. Nhiều ngân hàng khác cũng có lãi suất trên 7%/năm là CBBank 7,4%/năm; PVCombank 7,29%/năm; NamABank 7,1%/năm, CBBank 7%/năm.
Sát mốc 7%/năm thì có OceaBank và VietCapitalBank (6,8%/năm), hay VIB 6,7%/năm.
Techcombank là ngân hàng duy nhất niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (với khoản tiền dưới 1 tỷ) dưới mốc 5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng
Lãi suất kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng hiện không cao hơn kỳ hạn 12 tháng quá nhiều, thường chỉ nhỉnh hơn 0,2-0,4%/năm.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng niêm yết mức chênh lên tới 0,8%/năm; chẳng hạn như VietBank có lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ 6,6%/năm trong khi 24 tháng lên tới 7,4%/năm, thuộc nhóm cao nhất thị trường. Hay VietCapitalBank có lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên tới 7,5%/năm.
DongABank đang là ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cao nhất thị trường, với mức 7,6%/năm.
Trên mức 7%/năm, ngoài 3 ngân hàng kể trên còn có OceanBank (7,3-7,4%/năm); PVCombank (7,29%/năm); CBBank (7,25%/năm), NamABank (7,2%/năm); ABBank (6,8-7,1%/năm); SCB (7,05%/năm);….
Mặc dù lãi suất liên tục xuống thấp, gửi tiền ngân hàng vẫn là lựa chọn của đại đa số người dân Việt Nam, vừa được hưởng lãi, vừa yên tâm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hay vàng đều có nhiều biến động, bị ảnh hưởng khó lường từ dịch Covid-19.
Theo Thu Thủy (Trí Thức Trẻ)