Xe ô tô thanh lý của ngân hàng, liệu có khó mua?

11/09/2020 09:34:09

Giá xe ô tô đã giảm đáng kể trong thời gian qua, lãi suất cho vay mua xe ô tô cũng đang ở vùng đáy của hơn 10 năm trở lại đây đang là cơ hội để mọi người đổi xe hoặc mua xe mới phục vụ nhu cầu đi lại, kinh doanh. Bên cạnh xe mới thì các dòng xe thanh lý của ngân hàng với giá rẻ cũng được quan tâm.

Tâm lý thường thấy về xe ngân hàng thanh lý

Bên cạnh rao bán tài sản thế chấp là bất động sản thì các xe thanh lý của ngân hàng cũng được nhà đầu tư và người dân đặc biệt quan tâm thời gian gần đây. Bởi lẽ các dòng xe thanh lý thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với mua xe mới hoặc xe cũ trên thị trường.

Xe ôtô mà các ngân hàng thanh lý thường là xe thu hồi từ những người vay ngân hàng dùng chiếc xe đó làm tài sản thế chấp. Ngân hàng sẽ bán thanh lý các xe này để thu lại một phần hoặc toàn bộ khoản nợ mà khách hàng không thể trả.

Và các xe này thường có giá hợp lý hơn do xe Ngân hàng thanh lý được bán nguyên trạng, khách mua có thể tự sửa chữa, nâng cấp theo nhu cầu.

Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng, do liên quan đến việc thu hồi nợ nên việc mua xe thanh lý của ngân hàng cần phải cẩn trọng. Chẳng hạn như phải có đủ tiền mặt để mua xe chứ không thể trả góp như mua xe mới, phải chú ý tới chất lượng xe, hay mua xe thanh lý còn dễ bị "hớ" bởi giá rao bán hay bị đẩy lên cao...

Đem các vấn đề này tham vấn chuyên gia phụ trách xử lý nợ của một số ngân hàng, chúng tôi được biết, tâm lý lo ngại này khá thường thấy tuy nhiên không hoàn toàn đúng.

Xe ô tô thanh lý của ngân hàng, liệu có khó mua?

Xe đã qua thẩm định của ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro

Trên thực tế việc sang tên khi mua xe thanh lý của ngân hàng vẫn được cơ quan chức năng thực hiện như thủ tục mua bán xe thông thường.

Ngoài ra, xe thanh lý của ngân hàng là tài sản đảm bảo đã được ngân hàng thẩm định trước khi cho vay.

Vì vậy, khi mua xe từ nguồn tài sản thanh lý của ngân hàng thì khách mua có thể hạn chế một số rủi ro về Nguồn gốc tài sản không rõ ràng; Bị giả mạo về hồ sơ pháp lý như cà vẹt giả, hồ sơ cá nhân của chủ tài sản bị làm giả; Tài sản thực tế không khớp với hồ sơ tài sản như số khung, số máy, biển số; Tài sản bị tranh chấp hoặc hạn chế về giao dịch chuyển nhượng; Khách mua ký hợp đồng mua bán qua nhiều trung gian; và các rủi ro tiềm ẩn khác.

Không có rủi ro cho người mua khi người đứng tên xe không ký hợp đồng mua bán

Về vấn đề pháp lý khi sang tên chủ sở hữu, trái ngược với suy nghĩ rằng việc sang tên sẽ gặp khó khăn nếu người đứng tên sở hữu xe không ký hợp đồng mua bán. Trên thực tế người mua không phải chịu loại rủi ro này.

Đối với xe ngân hàng thanh lý, quyền thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng đã được qui định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan và trong thỏa thuận vay vốn/ thế chấp tài sản đảm bảo giữa ngân hàng và khách hàng.

Việc ngân hàng thực thi quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu là phù hợp với qui định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ.

Như vậy, trong trường hợp này, ngân hàng giữ vai trò là chủ tài sản, trực tiếp ký hợp đồng mua bán tài sản với khách mua, xuất hóa đơn bán tài sản và bàn giao hồ sơ pháp lý của tài sản cho người mua để thực hiện thủ tục sang tên theo qui định.

"Trường hợp khách mua gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục sang tên do cách hiểu của từng địa phương mà thủ tục sang tên sẽ cần thêm một số hồ sơ bổ sung thì ngân hàng sẽ đồng hành cùng khách mua để xử lý đến khi hoàn tất", chuyên gia từ ngân hàng Quốc Tế VIB, chia sẻ.

Ngân hàng hỗ trợ mua trả góp

Về vấn đề tài chính khi mua xe thanh lý, theo đại diện các ngân hàng, hiện nay hầu như các ngân hàng đều cho vay mua xe ô tô cũ, bao gồm cả xe thanh lý ngân hàng. Chẳng hạn như ở VIB, khi khách hàng có nhu cầu thì cán bộ ngân hàng sẽ tư vấn và hỗ trợ cụ thể với lãi suất ưu đãi và thủ tục khá dễ dàng.

Để có thể sang tên được thì bộ hồ sơ xe thanh lý theo quy định hiện hành về cơ bản bao gồm: Hợp đồng tín dụng; Hợp đồng thế chấp; Cà vẹt bản chính; Biên nhận thế chấp; Giấy đề nghị xóa đăng ký giao dịch đảm bảo; Biên bản bàn giao/thu giữ tài sản bảo đảm; Hợp đồng mua bán; Hóa đơn GTGT; Giấy khai sang tên, di chuyển và một số hồ sơ khác (nếu có). Các ngân hàng sẽ phối hợp với khách hàng hoàn thiện bộ hồ sơ này khi làm thủ tục mua bán.Căn nhà mục nát bất ngờ tăng giá gấp 10 lần chỉ sau một trận mưa lớn.

Theo Ánh Dương (Trí Thức Trẻ)