Dùng ngân sách để 'giải cứu' dự án BOT đặt sai chỗ: Vô lý!

05/11/2021 15:05:41

Một lần nữa, Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất dùng tiền ngân sách để mua lại nhằm “giải cứu” các BOT đặt sai chỗ hiện đang mắc kẹt không thể thu phí, cũng không thể huỷ bỏ trong nhiều năm.

Một lần nữa, Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất dùng tiền ngân sách để mua lại nhằm “giải cứu” các BOT đặt sai chỗ hiện đang mắc kẹt không thể thu phí, cũng không thể huỷ bỏ trong nhiều năm.

BOT “trơ gan cùng tuế nguyệt”

Đầu năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng đề xuất sử dụng ngân sách mua lại 8 trạm thu phí BOT gặp vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương nên chưa thể thu phí, hoặc thu phí không đúng phương án tài chính nên không thể hoàn vốn. Song đề xuất này vấp phải phản đối của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. 

Phần lớn các dự án này đã mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, đều rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, có đều xuất Nhà nước mua lại 7 dự án BOT "mắc kẹt".

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất Nhà nước bỏ tiền mua lại quyền thu phí dự án BOT bị kẹt phương án tài chính là các dự án có thể sớm hoàn thành giải ngân vào năm 2022 - 2023. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bố trí 9.628 tỉ đồng từ nguồn vốn của chương trình. 

Dùng ngân sách để 'giải cứu' dự án BOT đặt sai chỗ: Vô lý!
Trạm BOT Thái Nguyên - Chợ mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3. Ảnh: H.B

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bố trí 9.427 tỉ đồng để xóa bỏ trạm thu phí và hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho doanh nghiệp BOT đối với 7 dự án BOT và trạm thu phí không thu phí hoàn vốn được. 

So với kiến nghị trước đây, số tiền đề xuất ngân sách mua lại BOT sai chỗ có thay đổi. Điển hình là dự án T2 Quốc lộ 91 nằm trên địa phận quận Thốt Nốt - Cần Thơ bắt đầu thu phí từ vào đầu năm 2017.

Ngay sau khi trạm T2 đi vào hoạt động đã bộc lộ những bất cập như trạm đặt cách Ngã ba Lộ tẻ Rạch Giá chừng hơn 300m thu luôn phương tiện đi theo QL 80 về phà Vàm Cống, TP.Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Chính vì những bất hợp lý đó, trạm này luôn bị chủ phương tiện phản đối và đề nghị di dời đến vị trí hợp lý.

Vấn đề nằm ở chỗ vị trí đặt trạm đã được cả Bộ GTVT và địa phương là UBND Cần Thơ đã đồng ý, thông qua và chủ đầu tư đã bỏ ra khoản tiền là 880 tỉ đồng, gồm 400 tỉ tiền giải phóng mặt bằng và 480 tỉ đồng chi phí xây dựng.

Cuối năm 2019, sau khi trạm này buộc dừng thu phí, một trong năm phương án được Bộ GTVT đưa ra là “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B (từ nguồn ngân sách của TP.Cần Thơ hoặc trung ương)”. Nghĩa là Nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 880 tỉ đồng để “mua lại dự án” của doanh nghiệp và giao địa phương tiếp nhận để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì.

Bản thân chủ dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cũng đồng ý với phương án này. Tuy nhiên cho đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở đề xuất trong khi trạm vẫn không được thu phí, nợ ngân hàng vẫn phải trả gây khó cho doanh nghiệp.

Lần này, Bộ GTVT đề xuất mức mua lại BOT QL91 “chỉ là” 587 tỉ đồng.

Dự án BOT QL 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn). Chủ đầu tư đưa ra 2 phương án xử lý. Một là Nhà nước mua lại toàn bộ dự án trị giá 3.161 tỉ hai là không thu phí trạm QL3, chỉ thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới với giá trị 2.988 tỉ đồng. Nghĩa là Nhà nước sẽ phải mua lại toàn bộ 2 trạm hoặc 1 trạm. Lý giải về điều này, Chủ đầu tư cho rằng phương án trên sẽ giải quyết triệt để ý kiến phản đối của người dân địa phương và nhà đầu tư thu hồi vốn, ngân hàng giải quyết được nợ xấu.

Lần này, Bộ GTVT đưa ra phương án dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL3 và đầu tư đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ sử dụng gói bổ sung nguồn vốn để hoàn trả là 3.097 tỉ đồng, tức là hơn 100 tỉ đồng so với trước.

Ngoài ra, dự án BOT xây dựng mới QL26 đoạn qua Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp một số đoạn QL26 qua 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk là 550 tỉ đồng.  Dự án BOT đầu tư cầu Thái Hà trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần 1.466 tỉ đồng. 

Dự án BOT xây dựng QL1 đoạn tránh phía đông và tránh phía tây TP Thanh Hóa cần 741 tỉ đồng. Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148÷Km1763+610 cần 706 tỉ đồng và dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 cần 2.280 tỉ đồng.

Vô lý

Ngay từ tháng 4.2021, khi đề cập tới vấn đề này Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã khẳng định việc đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý. Trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, gây áp lực cho ngân sách nhà nước. 

Ủy ban Kinh tế cho rằng người dân tại khu vực trạm thu phí các dự án này phản đối quyết liệt nên không thể thu phí hoàn vốn cho dự án, trong khi chưa có tiêu chí rõ ràng để có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại các dự án này.

Ngoài những bất cập chưa được xử lý nhiều năm qua, vẫn còn tồn tại một số dự án có bất cập về vị trí đặt trạm thu phí, nhưng người dân tại địa phương đó lại không còn phản đối sau khi có chính sách miễn, giảm phí.

"Trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho rằng, việc không đồng ý là đúng, khi lãi thì doanh nghiệp không ý kiến và còn có ý kiến đề xuất kéo dài thời gian thu phí. Nhưng khi khó khăn lại đổ lên vai Nhà nước là không sòng phẳng trong đầu tư, tạo tiền lệ nguy hiểm.

Theo Văn Thành (Lao Động)