Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 điều chỉnh hợp đồng giữa 'tâm bão'

12/12/2017 08:14:56

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý. Khi thông tin còn chưa lắng xuống thì PVC trình ĐHĐCĐ về một số điều chỉnh liên quan đến dự án này.

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vừa có thông báo cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 15/12. Cuộc họp này bàn về những nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2016, 2017; bầu cử nhân sự cho nhiệm kỳ mới và phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra còn có tờ trình về việc ủy quyền điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2016-2020, chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Đáng chú ý là tờ trình về ký kết Phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và thực hiện bầu mới thành viên HĐQT, cũng như ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Điều chỉnh giá là việc cấp thiết để về đích

Về nội dung liên quan đến việc ký kết Phụ lục điều chỉnh Hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC phân trần nguyên nhân điều chỉnh vì với khối lượng thi công dở dang và công nợ phải trả nhà thầu. Việc điều chỉnh về giá hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được cho là rất cấp thiết, để đảm bảo nguồn lực tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 điều chỉnh hợp đồng giữa 'tâm bão'
Nhãn


Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. 
Theo đó, PVC sẽ điều chỉnh loại hợp đồng, từ hình thức hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo giá kết hợp gồm phần trọn gói và phần giá điều chỉnh.

Như vậy, giá hợp đồng (trước VAT) tạm xác định là khoảng 949 triệu USD và 10.710 tỷ đồng, với cơ cấu gồm phần trọn gói là 820 triệu USD và 26.6 tỷ đồng; còn phần giá điều chỉnh là 129 triệu USD và 10.683 tỷ đồng.

Mức giá hợp đồng trên trên bao gồm tất cả chi phí để thực hiện các nội dung công việc của hợp đồng EPC (kể cả chi phí các hạng mục dùng chung Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình), ngoại trừ thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, chi phí thu xếp tài chính của chủ đầu tư.

Được biết trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC đã ký hợp đồng EPC với giá trị 1,2 tỷ USD theo hình thức trọn gói. Giá trị hợp đồng quy đổi gần 921 triệu USD và 5.874 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng từng có báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước hồi tháng 3/2016, trong đó có đề cập đến tiến độ hoàn thành dự án.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 điều chỉnh hợp đồng giữa 'tâm bão' - 1
Nhãn

Cụ thể, báo cáo cho biết: Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có hợp đồng EPC nhà máy chính quy định cấp chứng chỉ hoàn thành tạm thời tổ máy số 1 vào tháng 1/2015; tổ máy số 2 vào tháng 7/2015, nhưng đến tháng 8/2015 vẫn chưa có tổ máy nào hoàn thành.

Đến nay, dự án đã được điều chỉnh tiến độ. Các tổ máy sẽ vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018.

Theo điều chỉnh mới nhất sẽ được trình trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 sắp tới, tiến độ hợp đồng dự kiến sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 khoảng cuối tháng 12/2018, tổ máy số 2 vận hành cuối tháng 3/2019.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị, khẩn trương rà soát các vấn đề liên quan đến việc tổ chức đấu thầu do PVC làm tổng thầu EPC đối với gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại dự án này.

Tại dự án, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…

Liên quan tới dự án, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều chỉnh vì khó hoàn thành

Không những bê bối trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC còn gặp khó khăn trong việc hoàn thành các kế hoạch đưa ra trước đó. Do vậy, Tổng công ty dự kiến trình Đại hội về việc ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chiến lược phát triển đến 2025, định hướng đến năm 2035. 

Cụ thể, chủ đầu tư thực hiện dừng/giãn tiến độ đầu tư các công trình, dự án đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn công việc của PVC và các đơn vị thành viên. Có thể nhắc đến như dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, dự án Lô B – Ô Môn, dự án LNG Thị Vải, dự án Nhiệt điện Long Phú 1...;

Việc thay đổi chủ đầu tư tại dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Tập đoàn Điện lực, khiến PVC không tiếp tục được thực hiện hợp đồng EPC, làm giảm khoảng 40% kế hoạch sản lượng, doanh thu, khoảng 51% kế hoạch lợi nhuận của PVC giai đoạn 2017-2020.

PVC cũng cho biết dù đã tìm kiếm nguồn công việc mới nhằm bù đắp, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong công tác thanh kiểm tra và đấu thầu. Điều này dẫn đến khoản lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 là 2.982 tỷ đồng. Kéo theo đó là khả năng không thể hoàn thành kế hoạch 5 năm, mục tiêu, chiến lược và định hướng phát triển đã đề ra.

Được biết trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, mục tiêu của giá trị sản xuất kinh doanh trong 5 năm tới dự kiến đạt 63.100 tỷ đồng.

Củng cố lại lãnh đạo

Trong năm qua, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm của tai tiếng, khi dự án này đã khiến không ít lãnh đạo của cả PVN và PVC rơi vào vòng lao lý.

Cụ thể, tại Tổng công ty là ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT và cùng một số cá nhân khác tại PVC. Thậm chí việc khởi tố bắt giam các cựu Chủ tịch HĐQT PVN nhiệm kỳ trước là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh cũng liên quan đến dự án này.

Mới cách đây vài ngày (ngày 5/12), PVC vừa bổ nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc với ông Nguyễn Thanh Bình - nguyên Phó trưởng Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 trực thuộc PVN.

Tại sự kiện này, ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT PVC đã cam kết sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho các lãnh đạo mới về nhận nhiệm vụ, cùng đưa PVC vượt qua khó khăn, đặc biệt là đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sớm về đích.

Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD, là một trong những dự án PVN giao PVC triển khai.

Bê bối xảy ra tại dự án này đã khiến hàng loạt lãnh đạo trong ngành dầu khí vướng vòng lao lý. Mặc dù được coi là dự án cấp bách trong tổng sơ đồ quy hoạch điện VI, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành và chậm so với kế hoạch 3 năm.

Dự án đã nhiều lần bị lùi tiến độ, nếu để kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch rút vốn các khoản vay và phải gia hạn thời gian rút vốn. Trường hợp thời gian xây dựng dự án kéo dài, PVC sẽ phải trả nợ gốc một số khoản ngay trong giai đoạn thi công, ảnh hưởng đến việc cân đối ngoại tệ và hiệu quả dự án.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật