Kế toán trưởng vừa bị bắt của PVN liên quan trực tiếp tới sai phạm "rút ruột, chi sai" tiền Nhà nước tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngoài ông Mậu, 3 người khác cũng bị khởi tố cùng tội, gồm Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Theo cơ quan chức năng, ông Mậu và các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD là một trong những dự án nổi tiếng với nhiều sai phạm của PVC được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao triển khai. Đây cũng là dự án điển hình cho việc chi tiêu bừa bãi, "đốt tiền" của dàn lãnh đạo PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, trong đó phải kể tới việc PVC đã dùng vốn đầu tư vào dự án này sai mục đích.
Bòn rút tiền đầu tư tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khiến dự án này chậm tiến độ 3 năm so với kế hoạch. Ảnh: NLM |
Theo báo cáo kiểm toán về tài chính và các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước năm 2014 tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 3 năm nay, chủ đầu tư dự án - PVN "mắc kẹt" khi đã tiến hành ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn trị giá gần 68,9 tỷ đồng và thực hiện giải ngân gần 61,3 tỷ. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, khoản chi phí này chưa có văn bản quy định của Nhà nước hướng dẫn về định mức cũng như hạch toán, quyết toán của các dự án đầu tư xây dựng, do vậy chưa có cơ sở để xác nhận.
Ngoài ra, Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, thành viên của PVN) cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu PVC theo giá tạm tính được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu mà chưa hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán, chưa tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu (gói thầu thi công xây dựng đường và thi công san lấp mặt bằng Trung tâm điện lực Thái Bình).
Sau đó, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng.
Sai phạm nối tiếp sai phạm khi số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN rót cho PVC hồi năm 2011 khoảng 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD (xấp xỉ 150 tỷ đồng) đã bị sử dụng sai mục đích. Lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh đã chi 1.080 tỷ đồng để thanh toán 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và 55 tỷ đồng trả lãi vay uỷ thác của tập đoàn. PVC cũng đã chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đồng thời bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Toàn bộ số tiền tạm ứng còn lại, gần 300 tỷ đồng, doanh nghiệp này cũng không sử dụng vào triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, mà lại "ném" vào 5 đơn vị khác mà PVC góp vốn, gồm công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Đáng nói, toàn bộ số tiền chi sai mục đích này vẫn chưa được các bên thu hồi. Sau này, để có tiền triển khai Nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC thời hậu ông Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Đức Thuận đã có văn bản "cầu cứu" tập đoàn mẹ - PVN, xin hỗ trợ toàn bộ phần lãi vay phải trả cho việc vay vốn để mở L/C đến hết năm 2013 khoảng 1,5 triệu USD.
“Trước mắt, tập đoàn hỗ trợ PVC chi phí lãi vay phải trả tính đến 25/8/2013 là 600.000 USD và dự kiến lũy kế đến 31/12/2013 là 1,5 triệu USD”, đề xuất nêu.
Ngoài số tiền "khủng" chi sai mục đích của PVC tại dự án này, vụ việc tại Nhiệt điện Thái Bình 2 còn gây sự chú ý của dư luận gần đây khi bị đơn vị tham gia đấu thầu "tố" không minh bạch trong gói thầu "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt".
Cụ thể, hồi tháng 8 Tổng công ty Bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí - PVMR (tên cũ là PVEIC), đại diện cho Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX có văn bản kiến nghị PVC và PVN về việc liên danh này bị PVC loại khỏi gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt”. Theo PVMR, tháng 3/2016 PVC tổ chức mời thầu gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt” - dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và bán công khai hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu quan tâm. PVC đóng gói thầu này vào tháng 5/2016 và tiến hành mở thầu, đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật.
Sau đó 5 tháng, Tổ công tác của PVC về gói thầu này có báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật, trong đó có liên doanh PVEIC - TBDST - TEMEX. Vấn đề phát sinh ở chỗ, khi Tổ công tác trình lên, thì Hội đồng quản trị PVC lại loại bỏ tư cách nhà thầu của Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX và chỉ đạo rà soát lại kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Trước sự việc này, Phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Duyên Hải đã ký báo cáo giải trình của Ban Giám đốc gửi Hội đồng quản trị và kiến nghị giữ nguyên kết quả do Tổ công tác trình, nhưng không được chấp nhận.
Sau khi có thông tin bị loại khỏi gói thầu, PVEIC đã có công văn đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến tư cách tham gia dự thầu của liên danh này, nhưng không nhận được phản hồi từ PVC và tiếp tục có đơn kiến nghị gửi tới PVC và PVN phản ánh sự việc là đề nghị làm rõ.
Trước những lùm xùm trong đấu thầu do PVC làm tổng thầu EPC tại dự án này, cách đây một tháng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát các vấn đề liên quan gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt của dự án.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án thuộc Trung tâm Điện lực Thái Bình được quy hoạch với tổng công suất 1.800 MW. Dù được coi là dự án cấp bách trong Tổng sơ đồ điện VI và từng được kỳ vọng sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm sau khi hoàn thành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đã chậm so với kế hoạch 3 năm. Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về điều chỉnh tiến độ dự án, Chính phủ yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ, đưa các tổ máy vào vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018. |
Theo Anh Minh (VnExpress.net)