Trả lời tại họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối 2/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự án mỏ kali Lào là dự án của chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thực hiện theo thỏa thuận của hai Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và CHDCND Lào.
"Hiện nay, dự án chưa đưa vào hoạt động, mới ở bước chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xét thấy nếu tiếp tục triển khai để đưa vào hoạt động thì hiệu quả của dự án sẽ không bảo đảo, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ", ông Hải nói.
Theo Thứ trưởng, nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi. Khi làm dự án tiền khả thi, theo dự toán, lúc đó là 500 USD/tấn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá thành hạ xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí cũng có lúc xuống 250 USD/tấn.
"Quan điểm hiện nay của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là trước hết tất cả các dự án đặc biệt là dự án kinh tế thì phải bảo đảm hiệu quả. Cho nên Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã họp rất nhiều lần, cùng các bộ ngành có liên quan đề xuất báo cáo Bộ Chính trị về đề án này", ông cho biết.
Người phát ngôn Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng đã họp và hiện nay chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị và sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành.
"Và điều hết sức quan trọng là cố gắng bảo đảm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và CHDCND Lào, đây là mối quan hệ hết sức tốt đẹp, truyền thống và rất đặc biệt", ông nhấn mạnh.
Trước đó, báo chí đưa tin, thông tin từ lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo xung quanh việc tạm dừng dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào với vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng do vướng nhiều quy định khác nhau. Dự án này tạm “đắp chiếu” vì phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Được biết, dự án được Vinachem khởi công xây dựng vào tháng 9/2015, với mục đích cung cấp phân bón kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu. Dự án có phạm vi khai thác 10 km2 với thời gian xây dựng dự kiến trong 5 năm, công suất khai thác 320.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, dự án khai thác vào năm 2020 với công suất đạt 1 triệu tấn/năm.
Dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng), trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD.
Tuy nhiên, đến năm 2017, lãnh đạo Vinachem đã phải kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có giải ngân thanh toán cho phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện khi dự án chưa có bảo lãnh Chính phủ. Có khoảng 1.400 tỷ đồng cũng được rót thêm vào để cứu dự án này.
Bộ Tài chính đã có một bản báo cáo dài 9 trang do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký gửi Thủ tướng Chính phủ cảnh báo về những hoạt động đầu tư cũng như trách nhiệm trả nợ của Vinachem. Theo đó, việc Vinachem vẫn tiếp tục đầu tư dài hạn dự án trong khi tình hình tài chính không khả quan được cho là dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền đảm bảo trả nợ cho dự án Đạm Ninh Bình, không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo Lâm An (Bizlive.vn)