Dự án hơn 67 tỷ USD nhận lệnh đặc biệt từ Thủ tướng, chỉ ngay trong năm sau sẽ khởi công?

06/04/2025 10:25:18

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay trong tháng 4/2025.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 05/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Trong đó, thông báo nêu rõ đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, hài hòa giữa các phương thức vận tải khác nên việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.

Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,….

Thủ tướng cũng khẳng định đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt.

Liên quan đến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trình Chính phủ bổ sung cơ chế về Chỉ định thầu cho dự án trong tháng 4/2025 để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào tháng 5/2025.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ này tập trung hoàn thiện các thủ tục, rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, phấn đấu khởi công vào cuối năm 2026.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay trong tháng 4/2025.

Dự án hơn 67 tỷ USD nhận lệnh đặc biệt từ Thủ tướng, chỉ ngay trong năm sau sẽ khởi công?
Phấn đấu khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2026 - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng hàng tháng

Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các Dự án; các địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các ga đường sắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng hàng tháng về Ban Chỉ đạo qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Đối với đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tại thông báo, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đối với kiến nghị về việc tăng vốn điều lệ của VNR. Việc này giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập Hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trước đó, vào chiều 6/11/2024, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, trị giá hơn 67 tỷ USD.

Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.

Theo Trang Anh (Nguoiduatin.vn)