Cụ thể, vào đầu phiên giao dịch trên sàn giao dịch Moskva, đồng ruble được giao dịch ở mức 65,31 ruble/1 USD. Đến 13h39 giờ GMT (20h39 theo giờ Việt Nam), tỷ giá 1 USD đổi được 66,14 ruble, mạnh hơn 0,2% so với mức đóng cửa trong phiên giao dịch trước đó một ngày. Mức cao nhất ghi nhận được trong phiên sáng 5/5 là mức chưa từng thấy kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
So với đồng euro, đồng ruble cũng mạnh hơn 0,3%, giao dịch ở mức 70,20 ruble/1 euro, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán của Nga đều tăng điểm. Chỉ số RTS tăng 2,6% lên 1.142,7 điểm. Chỉ số MOEX Nga dựa trên đồng ruble cao hơn 1,4% lên 2.406,5 điểm.
Đồng ruble đã tăng giá trong vài tuần qua nhờ các công ty chuyên xuất khẩu bắt buộc phải chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra, nhu cầu đối với đồng USD và euro suy yếu trong bối cảnh nhập khẩu suy giảm và các hạn chế đối với các giao dịch xuyên biên giới cũng góp phần khiến giá trị đồng ruble so với đồng USD và euro đi lên. Ngân hàng Sberbank CIB dự đoán đồng ruble có thể đạt mức 65 ruble/1 USD.
Sự biến động của đồng ruble mạnh hơn bình thường do tính thanh khoản của thị trường bị suy giảm vì các hạn chế của ngân hàng trung ương, được thiết lập để hỗ trợ sự ổn định tài chính sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2.
Hiện thị trường đang hướng sự chú ý vào các biện pháp trừng phạt mới dự kiến của phương Tây nhằm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất cấm vận dầu mỏ từng bước, cũng như trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga và cấm các hãng truyền thông Nga phát sóng tại châu Âu.