“Chúng tôi đã đưa 63 quan chức Nhật Bản vào danh sách đen, trong đó có Thủ tướng Kishida Fumio, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp. Tất cả những cá nhân trên đều bị cấm nhập cảnh vào Nga”, hãng tin RT dẫn thông cáo được Bộ Ngoại giao Nga đưa ra hôm nay (4/5).
“Chúng tôi quy trách nhiệm cho chính quyền Tokyo về những lời lẽ không thể chấp nhận được đối với Nga, được lặp đi lặp lại bởi các chuyên gia hoặc nhân vật công chúng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản”, thông cáo trên viết thêm.
Hãng tin RT cho biết, quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã trở nên căng thẳng kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vào tháng Ba, Moscow đã chấm dứt thỏa thuận cho phép công dân Nhật Bản tự do tới thăm quần đảo Kuril, khu vực được Tokyo gọi là “Lãnh thổ phương bắc”.
Hiện giới chức Nhật Bản chưa đưa ra bình luận về động thái trên của Bộ Ngoại giao Nga.
Điện Kremlin theo dõi gói trừng phạt của EU
Giới chức Điện Kremlin hôm nay (4/5) cho biết, họ đang theo dõi sát sao về tiến trình của gói trừng phạt thứ sáu được Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm vào Nga.
“Những đề xuất trừng phạt cho đến nay vẫn nằm trong các kế hoạch. Chúng tôi đang theo dõi diễn biến về gói trừng phạt và tính toán những lựa chọn khác nhau”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin TASS.
Theo TASS, phát biểu trên được ông Peskov đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen công bố một số đề xuất về gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga.
“Hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày gói trừng phạt thứ sáu. Trước tiên, chúng tôi lên danh sách những sĩ quan quân đội cấp cao Nga và nhiều cá nhân đã phạm tội ác chiến tranh ở Bucha, Ukraine. Chúng tôi biết đó là những ai, và những người này sẽ phải chịu trách nhiệm”, bà Von der Leyen viết trên Twitter.
“Thứ hai, chúng tôi muốn loại ba ngân hàng của Nga, trong đó gồm ngân hàng lớn nhất nước này là Sberbank, khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu (SWIFT). Tiếp đó, chúng tôi muốn cấm ba đài truyền hình nhà nước của Nga phát sóng trên hệ thống truyền hình của chúng tôi”, bà Von der Leyen viết thêm.
“Và cuối cùng, chúng tôi đề xuất việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Cần phải nói rõ rằng việc này sẽ không dễ dàng, nhưng chúng tôi phải làm vậy. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng sẽ loại bỏ dầu Nga một cách có trật tự, nhằm tối đa hóa áp lực lên Nga cũng như giảm thiểu tác động lên các nền kinh tế của chúng ta”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định.
Australia áp lệnh trừng phạt lên giới chức Nga và phe ly khai ở Ukraine
Bộ Ngoại giao Australia hôm nay (4/5) đã áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế mới lên 110 cá nhân của Nga và hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) với lý do những người này “đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine”.
“Khoảng 110 cá nhân nằm trong danh sách bị trừng phạt mới, trong đó gồm 34 thành viên cấp cao thuộc những phong trào ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc miền đông Ukraine. Những cá nhân này đã vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thông qua việc khẳng định thẩm quyền của họ đối với những khu vực thuộc Ukraine mà không có sự ủy quyền từ chính quyền Kiev”, hãng tin TASS dẫn lời Ngoại trưởng Australia Marise Payne nói.
“Lệnh trừng phạt cũng áp đặt lên 76 thành viên thuộc Duma Quốc gia Nga, những người đã bỏ phiếu kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận DPR và LPR như những quốc gia độc lập”, bà Payne nói thêm.
Theo TASS, hiện chính quyền Nga chưa đưa ra phản ứng về động thái áp lệnh trừng phạt trên của Bộ Ngoại giao Australia.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)