Nhân dân tệ liên tiếp giảm điểm
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần này, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã có 8 phiên giảm liên tiếp so với đồng USD, tỷ giá giao dịch đồng NDT ngoài Trung Quốc chỉ còn cách mức thấp nhất lịch sử 6,9895 NDT đổi 1 USD chưa đến 400 điểm. Điều đáng lo ngại là trong lần mất giá này của đồng NDT dường như không có sự can dự của những con "cá kình tài chính".
Cùng với việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào thế bế tắc, Mỹ đã khởi động quá trình áp thuế trừng phạt đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đồng NDT lập tức rơi vào đà giảm giá, sau 8 phiên đi xuống liên tiếp đã tiến sát ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Ngày 20/5, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT giao dịch tại Trung Quốc là 8,8988 NDT đổi 1 USD, thấp nhất kể từ ngày 24/12/2019; giao dịch ngoài Trung Quốc là 6,9514 NDT đổi 1 USD, chỉ còn cách mức thấp nhất trong lịch sử chưa đầy 400 điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang ngày một khó khăn trong việc giữ mốc tâm lý 7 NDT đổi 1 USD và một khi ngưỡng quan trọng này bị phá, hậu quả sẽ khó lường.
Trên thực tế, tình hình đã thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Cuối tháng 2 vừa qua, đồng NDT đã có lúc ở ngưỡng 6,7 NDT đổi 1 USD, tăng gần 3% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 5/5 rằng sẽ Nhà Trắng sẽ tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5 vì đàm phán thương mại quá trì trệ, đồng NDT liên tục mất giá, giờ chỉ còn cách mốc 7 NDT đổi 1 USD một khoảng không xa.
Dư luận cơ bản cho rằng nếu mốc này bị phá vỡ sẽ kích hoạt khủng hoảng niềm tin, không những khiến đồng NDT nối dài đà lao dốc, tái hiện địa chấn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông, mà còn đẩy Mỹ-Trung lún sâu hơn vào cục diện bế tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Trận chiến bảo vệ Nhân dân tệ vô cùng khó khăn
Nhiều năm qua, tỷ giá đồng NDT luôn là một trong những nguồn cơn căng thẳng Mỹ-Trung. Ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc phá giá đồng NDT để kích thích xuất khẩu. Cho nên, nếu đồng NDT phá mốc 7 NDT đổi 1 USD, viễn cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ càng không rõ ràng.
Rủi ro nhãn tiền hơn là một khi thị trường hình thành kỳ vọng vào việc đồng NDT phá giá sẽ dẫn tới sự tháo chạy của dòng vốn với quy mô lớn. Chuyện này từng xảy ra, đó là khi kỳ vọng đồng NDT phá giá bắt đầu được hình thành vào nửa cuối năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở mức đỉnh của mọi thời đại (khoảng 3.990 tỷ USD) vào tháng 6/2014 đã liên tục thụt giảm. Sau khi kỳ vọng đồng NDT phá giá hình thành, dòng vốn bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc với quy mô lớn và chỉ trong khoảng 2 năm rưỡi, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD, rớt dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD.
Tới hết tháng 3/2019, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc còn 3.120 tỷ USD. Theo công thức tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với quy mô kinh tế hiện nay, nếu muốn duy trì ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc không thể thấp hơn mức 2.500 - 2.700 tỷ USD. Điều đó có nghĩa Trung Quốc chỉ có thể thực sự sử dụng được vài trăm tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng NDT.
Nhưng vấn đề là trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc không ít là vốn đầu tư nước ngoài tới Trung Quốc làm ăn, sau khi đổi sang đồng NDT được giữ trong ngân hàng. Hiện nay, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định chuyển hoạt động kinh doanh, sản xuất khỏi Trung Quốc. Khi đi, đương nhiên họ phải đổi NDT sang ngoại tệ, khiến áp lực đối với dự trữ ngoại tệ cũng như với đồng NDT gia tăng.
Một chỉ dấu khác cho thấy trận chiến bảo vệ đồng NDT của Trung Quốc lần này sẽ rất khó khăn. Đó là từ khi đồng NDT mất giá tới nay vẫn chưa có con "cá kình tài chính" nào đứng ra nhận trách nhiệm. Ngược lại, nhà đầu cơ Kyle Bass, người mà trong khoảng thời gian từ năm 2015 tới tháng 3/2019 không ngừng kêu gọi bán khống đồng NDT, đã công khai tiết lộ vào ngày 14/5 vừa qua rằng quỹ rủi ro do ông quản lý đã đóng trạng thái bán khống đồng NDT.
Gần đây, Bắc Kinh cũng không nhấn mạnh tới yếu tố "bàn tay hữu hình" từ bên ngoài can thiệp vào đồng NDT. Nhưng trong bối cảnh áp lực bán khống không lớn, đồng NDT vẫn mất giá mạnh, điều này quả thực khiến người ta càng lo ngại hơn bởi nó đủ cho thấy "những đốm lửa nhỏ đang đốt cháy cả thảo nguyên".
Đấu tranh Mỹ-Trung đã lan từ lĩnh vực thương mại sang khoa học công nghệ và tâm điểm sắp tới có thể là phương diện tài chính. Người Trung Quốc thường nhấn mạnh "niềm tin quan trọng hơn vàng" và đây có thể là lúc khảo nghiệm niềm tin. Một khi người dân hình thành kỳ vọng về việc đồng NDT phá giá, nỗi lo lớn của Trung Quốc - dòng vốn tháo chạy - sẽ trở thành hiện thực và bóng ma khủng hoảng tài chính sẽ dần hiện rõ.
Theo Gia Hân (Soha/Trí Thức Trẻ)