Nhấp nhổm
Chiều 17/4, khi biết xăng lại tăng giá, nhiều tiểu thương kinh doanh nông sản không khỏi lo lắng, bởi việc thương lái tăng giá hàng hóa sắp tới là điều khó tránh khỏi. “Hồi đầu tháng, giá xăng đã tăng 1.000 đồng/lít, lúc đó chi phí cước vận tải đã bắt đầu nhích nhẹ. Tuy nhiên, do một số mặt hàng rau củ quả đang vào vụ, sản lượng dồi dào, giá thành rẻ nên tôi lấy thu bù chi, đắp đổi qua phí vận tải. Còn bây giờ, phí vận tải sẽ tiếp tục tăng cao hơn, do ảnh hưởng từ xăng dầu nên dù mình có “bù qua sớt lại” thì cũng khó có lời. Lúc đó, bắt buộc chúng tôi phải tăng giá hàng hóa khi bán cho người tiêu dùng” - bà Liên, kinh doanh hàng bông tại chợ đầu mối Thủ Đức (Q.Thủ Đức) cho biết.
Ghi nhận tại một số chợ đầu mối lớn ở TPHCM như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn…, dễ thấy đa số các mặt hàng đều chưa nhảy giá. Theo đại diện ban quản lý chợ, thông thường, phải 1 tuần sau khi xăng dầu có giá mới thì mới biết hàng có tăng giá hay không, vì tiểu thương, thương lái, nhà xe cần thời gian đàm phán chi phí cước vận chuyển. Tuy nhiên, với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ kéo theo giá hàng hóa tại các chợ đầu mối tăng từ 3% đến 7%.
Trong khi đó, tại nhiều chợ lẻ ở TPHCM, giá cả nhiều loại rau xanh, thủy hải sản đã tăng từ nhiều ngày trước. Chị Minh Hà (ngụ Q.3) cho hay: “Đa số rau xanh đều tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Dưa leo tăng giá 30.000 đồng/kg, xà lách Đà Lạt 65.000 đồng/kg, cà chua, khoai tây tăng 40.000-45.000 đồng/kg… Còn tôm cua thì khỏi nói, tăng từ 400.000 lên 600.000 đồng/kg, tiểu thương bảo do phải chở từ các tỉnh xa, chi phí đắt đỏ nên hàng đội giá”. Bên cạnh đó, một số công ty sữa cũng thông báo giá bán lẻ các loại sữa tăng thêm khoảng 5% so với giá trước đó.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood cho biết, mỗi tháng công ty sẽ phải chi thêm gần 220 triệu đồng tiền điện, tương ứng 2,6 tỷ đồng/năm. Cuối tháng 3, SaigonFood đã lên kế hoạch tăng giá bán cho các sản phẩm 5 - 10% nhưng vẫn chưa thực hiện. Mới đây công ty cũng đã nhận được báo giá mới của các sản phẩm nguyên phụ liệu như bao bì, nguyên liệu nhập khẩu. Cộng với mức điều chỉnh giá xăng mới đây, SaigonFood sẽ “gom” lại để tăng luôn.
“Để tăng giá bán ra, doanh nghiệp phải dòm qua dòm lại nhiều thứ, từ các sản phẩm cùng loại trên thị trường đến hoạt động sản xuất, mức tiêu thụ… Hơn nữa, đối với kênh bán hàng ở các siêu thị thì mỗi năm, doanh nghiệp chỉ được tăng giá bán tối đa 2 lần. Vì vậy chúng tôi đang rất đau đầu để đưa ra mức tăng như thế nào cho hợp lý cũng như thời điểm tăng phù hợp, ít tác động nhất đến người dùng hay lượng hàng bán ra. Để tăng giá bán, công ty phải thông báo cho các đối tác, các điểm bán lẻ từ 1 đến 2 tháng và thời gian đó mình phải ráng gồng gánh hết mọi chi phí đầu vào đã tăng” - bà Lâm chia sẻ.
Buộc phải tăng
Khi đề cập giá cước vận tải, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM nói: “Doanh nghiệp vận tải giờ không còn cách nào khác là phải tăng giá cước. Bởi, giá xăng dầu thời gian gần đây liên tục tăng. Nếu các hãng vận tải cố giữ giá cũ thì e rằng không kham nổi”. Theo ông Quản, chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải, do vậy giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Tăng giá cước vận tải là điều bắt buộc doanh nghiệp phải làm trong thời điểm này, tuy nhiên tăng bao nhiêu còn tùy thuộc. Bởi nếu tăng cao quá thì khách hàng sẽ bỏ, không dùng dịch vụ của hãng đó nữa.
Trò chuyện với chị Hà, nhân viên một hãng xe ôm công nghệ thì được biết, dù xăng đã tăng giá rất cao 2 lần trong tháng qua, thế nhưng hãng này vẫn chưa có ý định tăng cước. Mà dù có tăng giá đi chăng nữa, thì hãng vẫn phải tăng ở mức thấp nhất trong tất cả các hãng xe ôm công nghệ, vì muốn duy trì khách.
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá mà các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng đã có một đợt điều chỉnh từ cuối tháng 3 đến nay. Theo đó, giá sắt thép xây dựng tăng 100.000-200.000 đồng/tấn, xi-măng tăng 20.000-50.000 đồng/tấn tùy doanh nghiệp như Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1, Công ty CP Xi-măng Bút Sơn, Công ty CP Xi-măng Vicem Hoàng Mai...
Đại diện một công ty thép cho biết, nguyên nhân tăng giá bán ra là giá điện tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. Hơn nữa, đợt tăng giá xăng liên tiếp 2 lần gần đây lên hơn 2.600 đồng/lít cũng tác động đến giá thành sản phẩm của các nhà máy sản xuất thép.
Ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại TPHCM trong ngày 17/4 cho thấy, hiện các mặt hàng chưa có biến động về giá vì hiện tại hàng hóa bán ra đang còn nằm trong các hợp đồng đã ký mua và có hợp đồng vận chuyển trước đó. Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu tăng mạnh hiện nay, dự báo giá nhiều mặt hàng sẽ tăng trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.
“Siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp giữ giá bình ổn để bảo đảm giá đến tay người tiêu dùng tốt nhất. Trước tình hình giá xăng dầu tăng như hiện nay, các mặt hàng tại hệ thống siêu thị hiện vẫn chưa có nhiều biến động. Đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với nhà cung cấp bảo đảm giá cả hợp lý nhất” – đại diện một siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM nói.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)