Trước tình hình đầu tư tư nhân vẫn đang khó khăn, TPHCM đã công bố phương án cụ thể để lấy ý kiến, triển khai gói kích cầu đầu tư mới để hỗ trợ DN. Đây là một trong những động thái nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố đã có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023. Theo đó, thành phố được dùng nguồn đầu tư công để chi hỗ trợ DN vay vốn đầu tư, kỳ vọng tạo ra “vốn mồi” thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn.
Kích tăng trưởng
Hơn 20 năm tham gia sản xuất và cung ứng phụ tùng thay thế, Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long (TP Thủ Đức) có nhiều lần được vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.
Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, nhờ đó công ty có điều kiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ. Từ một DN nhỏ, Công ty Nhật Long dần trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà máy trong nước, giảm thiểu phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Trong thời điểm khó khăn nhất, DN vẫn có đơn hàng để tiếp tục “sáng đèn” nhà máy và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, từ ba năm qua, chương trình này tạm dừng khiến nhiều DN gặp không ít khó khăn.
“Chúng tôi được biết thành phố sẽ tái khởi động lại chương trình kích cầu này từ khi có Nghị quyết 98 nên rất trông chờ. Nếu chương trình triển khai sớm sẽ tạo thêm cơ hội, cũng như hỗ trợ để các DN có thêm động lực nhập dây chuyền máy móc hiện đại để phát triển sản xuất” - ông Long kỳ vọng.
Cũng mong tiếp cận gói kích cầu đầu tư mới, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico) - cho biết, DN có nhu cầu đầu tư tăng gấp 3 công suất xử lý nước thải, cũng như chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư nên ý định ban đầu gác lại. Vì thế DN này kỳ vọng sớm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ gói kích cầu đầu tư để nâng cấp nhà máy.
“Chúng tôi muốn chuyển đổi các chất đốt hóa thạch sang các chất đốt để tạo khí thải bằng 0. Để làm được điều này, cần có nguồn vốn đầu tư với lãi suất thấp hoặc bằng 0. Đây là điều chương trình kích cầu của thành phố đáp ứng được” - ông Hiến nói.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, gói tín dụng ưu đãi của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đến nay đã giải ngân được hơn 420.000 tỷ đồng cho 101.123 khách hàng, bằng 93% gói tín dụng được các tổ chức tín dụng đăng ký từ đầu năm; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 về cơ cấu nợ đạt 10.239 tỷ đồng cho 9.659 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm đạt 18.309 tỷ đồng cho 308 khách hàng. “Ngành ngân hàng bằng những hành động cụ thể cùng với chính sách tiền tệ, tín dụng đang triển khai đã góp phần tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng” - ông Lệnh cho biết.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đánh giá, đây là chính sách rất tốt cho DN bởi lãi suất cho vay trong gói kích cầu này được giảm đáng kể, theo từng khung ưu đãi, từng nhóm đối tượng, thậm chí là hỗ trợ tới 100% lãi suất vay. “Với ngành chế biến thực phẩm, việc đầu tư nâng cấp, thay đổi máy móc, thiết bị rất cần vì nếu không sẽ bị lạc hậu, không theo kịp với xu hướng sản xuất của thế giới và thị trường hiện nay” - bà Chi nói. Tuy nhiên, bà cho rằng, khi sử dụng gói kích cầu này, DN phải làm đúng theo quy định thì mới được hưởng chính sách.
Rộng cửa vay vốn kích cầu
Bà Mai Phong Lan - Phó Trưởng phòng DN, Kinh tế tập thể và tư nhân Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM cho biết, từ hơn 10 năm trước thành phố đã thực hiện nhiều chương trình kích cầu đầu tư nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, đầu tư công nghiệp hỗ trợ…và được cộng đồng DN đánh giá cao vì mang lại hiệu quả thiết thực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, TPHCM cũng từng triển khai một chương trình tương tự và đã cho vay ưu đãi tổng số vốn là hơn 13.500 tỷ đồng. Cụ thể, cứ 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra để kích cầu đầu tư sẽ huy động được hơn 12 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Điều này cho thấy, nếu gói kích cầu đầu tư mới được triển khai trong thời gian tới, không chỉ giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn hiện tại, mà còn tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới của thành phố.
Hiện Sở KH&ĐT đang phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) tham mưu UBND TPHCM dự thảo Nghị quyết ban hành quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Dự kiến, chính sách mới vẫn kế thừa chính sách hỗ trợ lãi vay cho các dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư, nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết 98 và quy định pháp luật hiện hành.
Phó tổng Giám đốc HFIC Nguyễn Quang Thanh cho biết, chính sách mới sẽ áp dụng đối với các DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước. Ngoài các lĩnh vực kế thừa chương trình kích cầu đầu tư, một số lĩnh vực được bổ sung như các dự án khởi nghiệp, chuyển đổi số, đầu tư quan trắc chất lượng nước, không khí tại các khu công nghiệp, khu dân cư và phục vụ việc phát triển hạ tầng logictics… Dự kiến vốn vay tối đa được hỗ trợ là 200 tỷ đồng; mức hỗ trợ lãi suất có thể 50 - 100% tùy vào nhóm đối tượng cụ thể; thời gian hỗ trợ trong khoảng 5-7 năm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), chính sách này được thành phố “sáng tạo”, trong quá trình triển khai có thời gian bị tạm gián đoạn. Lần này, thành phố chuẩn bị kỹ, chủ động đưa vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98. “HUBA đang phối hợp Sở KH&ĐT làm tờ trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết để UBND thành phố trình HĐND. Chúng tôi tin thời gian tới, khi HĐND thông qua, chính sách sẽ ổn định, DN sẽ yên tâm vì dễ dàng tiếp cận vốn”- ông Hòa kỳ vọng.
Uyên Phương