Bãi bỏ 'cấm' vay vốn: Cuộc 'đại phẫu' thị trường bất động sản bắt đầu?

25/08/2023 09:42:41

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia bày tỏ vui mừng khi Thông tư 06 tạm ngừng thi hành một số quy định cấm cho vay với bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ - cho biết, Thông tư 06 dừng một số nội dung liên quan đến "cấm" cho vay là tin vui cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Theo ông Toản, hiện có đến 90% các dự án đều gặp vướng mắc, không đủ điều kiện vay theo Thông tư 06.

Đặc biệt, với những dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) công trình hạ tầng... đặc thù cần lượng vốn lớn, trong khi nguồn thu hoàn vốn kéo dài thì việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án là tất yếu. Việc dừng những điều kiện vay (theo Thông tư 06) tạo dòng vốn cho phép đối tác của chủ đầu tư (bên thứ 3) vay vốn thông qua hợp tác kinh doanh.

Ông Toản khẳng định, trong bối cảnh hiện tại, hợp tác đầu tư chia sẻ lợi ích và rủi ro với các đơn vị có tiềm lực tài chính là ưu tiên.

Bãi bỏ 'cấm' vay vốn: Cuộc 'đại phẫu' thị trường bất động sản bắt đầu?
Thị trường bất động sản dự báo sẽ sớm hồi phục vì sẽ được tiếp cận vốn dễ dàng (ảnh: Ngọc Mai).

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp -Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn cầu - cũng cho rằng, đối với bất động sản, tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60-70% tổng mức đầu tư dự án đều nên được cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu được triển khai.

Đặc biệt, có những dự án vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng càng cần vốn tín dụng ngay từ ban đầu. Việc dừng những điều kiện cấm cho vay sẽ tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển dự án và tạo nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành CLB Bất động sản Hà Nội - khẳng định, đây là một tín hiệu vui cho ngành bất động sản nói chung, các chủ đầu tư bất động sản nói riêng bởi thị trường bất động sản Việt Nam đang yếu do thiếu vốn và gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư khiến giao dịch trầm lắng.

"Tôi rất đồng tình trước chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện nền tài chính chặt chẽ để đảm bảo an toàn; tuy nhiên bên cạnh đó cần linh hoạt trong từng thời điểm, từng vụ việc để khơi thông dòng vốn, phục hồi nền kinh tế", ông Quê nói.

Ông Quê phân tích, từ giữa năm 2018 Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã có những chính sách hạn chế dòng vốn vào bất động sản. Tuy nhiên, do 2 năm 2020 và 2021 Việt Nam chống chọi với COVID-19, sản xuất đình trệ, dòng tiền lại được đẩy ra hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng như cấp vốn đầu tư công, cho vay bất động sản, chứng khoán.

Từ quý II năm 2022, lãi suất tăng cao, việc tiếp cận vốn cho bất động sản khó khăn do tính thanh khoản của bất động sản thấp và ngân hàng không ưu tiên cho vay bất động sản; kể cả dù được vay doanh nghiệp, cá nhân cũng phải đắn đo do lãi suất khoảng 13-15%/năm.

Vẫn ông Quê cho biết, từ đầu năm nay, nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển thị trường bất động sản, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, dù lãi suất đã hạ, việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, do dòng vốn đang tắc, tâm lý nhà đầu tư, người dân còn bi quan với sự phục hồi nền kinh tế và ngành bất động sản.

Theo ông Quê, hiện thị trường bất động sản gặp khó khăn cả nguồn cung và cầu. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các chủ đầu tư thiếu vốn triển khai dự án. Hầu hết các doanh nghiệp đủ vốn thực hiện thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng (chiếm ít nhất 15-20% tổng mức đầu tư), còn các giai đoạn sau từ bước đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà cần phải huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn khác.

"Việc tạm ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06 thể hiện sự cầu thị của Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng trong việc lắng nghe các góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản và người dân. Tôi tin tưởng rằng giai đoạn tới lãi suất sẽ hạ thêm, việc tiếp cận vốn vay của cả cá nhân và doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.

Nhiều dự án sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ khâu hoàn thành giải phóng mặt bằng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, giao dịch mua bán và sáp nhập dự án sẽ sôi động hơn dưới nhiều hình thức do được tiếp sức từ nguồn vốn vay ngân hàng", ông Quê cho hay.

Ông Quê khẳng định, việc gỡ khó này cũng giúp tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên vào giai đoạn quý IV này góp phần phục hồi nền kinh tế.

Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho hay: "Việc dừng thực hiện cấm cho vay với một số điều kiện sẽ làm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân".

Thông tư 10 (ngày 23/8/2023) hoãn thi hành một số quy định Thông tư 06 về mục đích vay vốn như: Vay để thanh toán tiền mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc giao dịch tại Upcom; vay để thanh toán góp vốn; vay bù đắp tài chính.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)