Báo cáo tài chính hợp nhất quý I Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 2.330 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 3.000 tỷ đồng. Đây mới là quý thứ hai kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tháng 1/2018 doanh nghiệp này báo lỗ.
Doanh thu bán hàng của BSR cũng giảm hai phần ba so với cùng kỳ năm 2019, khi chỉ thu về gần 18.000 tỷ đồng quý I.
Dầu thô, nhất là dầu Brent quý I lao dốc hơn 70%, từ trên 68,3 USD một thùng ngày 3/1 còn gần 17,7 USD thùng cuối tháng 3, khiến hàng tồn kho của BSR trong kỳ tăng mạnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả thua lỗ của BSR trong quý I.
Khi cả giá lẫn lượng tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng nhanh khiến giá vốn tồn kho cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh điều chỉnh mạnh. Ngoài ra, ảnh hưởng từ Covid-19 khiến nhu cầu các sản phẩm lọc hoá dầu trong nước giảm sâu, nhất là xăng hàng không Jet A1.
BSR cho biết, nếu tình hình giá dầu không diễn biến khả quan và lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng, có thể doanh nghiệp này phải tính tới tình huống dừng nhà máy lọc dầu Dung Quất một thời gian.
Tuy nhiên, trước mắt để duy trì sản xuất, cải thiện dòng tiền và tránh tình trạng phải ngừng vận hành, nhiều thời điểm trong quý BSR buộc phải giảm công suất nhà máy về mức tối ưu, thương thảo với khách hàng giải phóng hàng tồn kho. Động thái này phần nào giúp các khoản phải thu của khách hàng giảm một nửa, về gần 4.500 tỷ đồng; giá trị nguyên vật liệu tồn kho và hàng mua đi đường của BSR giảm hơn 1.650 tỷ đồng.
Không riêng doanh nghiệp sản xuất xăng, dầu như BSR lỗ đậm, các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu cũng lao dốc trong quý đầu năm 2020.
Báo cáo tài chính quý I của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 537 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 38 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối quý I tăng lên gần 1.200 tỷ đồng.
Sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa giảm 11%, sản lượng bán lẻ giảm 6% do tác động từ giá dầu thế giới khiến tình hình kinh doanh của PV Oil gặp nhiều khó khăn.
Khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của PV Oil quý I cũng tăng đột biến, gần 275 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh nghiệp này dự kiến giảm doanh thu khoảng 35%, ở mức 52.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 376 tỷ đồng. Chỉ tiêu này của PVOIL xây dựng trên cơ sở dự báo thị trường cuối năm 2019 với kịch bản giá dầu 60 USD một thùng.
Tình hình tương tự với Tổng công ty Thương mại & Kỹ thuật đầu tư (Petec) khi quý I lỗ ròng hơn 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 lỗ trên 4,5 tỷ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm 15%, về gần 841 tỷ đồng, giảm hơn 144 tỷ so với cùng kỳ.
Chưa công bố báo cáo tài chính quý I, nhưng theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước lỗ 572 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng. Doanh thu quý đầu năm cũng ước đạt gần 28.500 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ so với cùng kỳ 2019.
Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc trong khi xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong quý I, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Dự kiến doanh thu cả năm 2020 của tập đoàn giảm gần 12.520 tỷ đồng, lợi nhuận sụt hơn 1.140 tỷ đồng so với kế hoạch và dự kiến nộp ngân sách Nhà nước giảm 500 tỷ đồng so với kế hoạch nếu Covid-19 kéo dài đến quý IV.
Tập đoàn này cũng dự báo, trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục dừng các chuyến bay, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)