Mức âm quỹ lớn nhất chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp đầu tầu của ngành xăng dầu. Như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm 15 giờ ngày 1/6/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex bị âm 316 tỷ đồng. Còn tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đang bị âm trên 660 tỷ đồng.
Tại nhiều doanh nghiệp khác, mức quỹ bình ổn bị âm ít hơn và chỉ còn số dư rất ít. Như tại Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro.,Ltd.), Quỹ bình ổn giá xăng dầu tạm tính đến hết ngày 30/5/2019 còn hơn 48,25 tỷ đồng trong khi tại Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Quỹ Bình ổn của đơn vị chỉ còn trên 6,2 tỷ đồng.
Liên quan đến việc quản lý và điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, VINPA đề nghị Chính phủ bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi. Thứ nữa, chính việc cho lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị méo mó, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm cạnh tranh đúng theo cơ chế thị trường.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)