Doanh nghiệp Việt đòi TQ 9 tỉ, được gần 1 tỉ

10/09/2015 09:17:56

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC trong các lĩnh vực tăng khoảng 40%/năm.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC trong các lĩnh vực tăng khoảng 40%/năm.
Cùng với hội nhập, tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) và nước ngoài ngày càng tăng lên. Nhiều vụ tranh chấp thương mại đã được giải quyết bằng cơ chế trọng tài. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết bốn năm thi hành Luật Trọng tài thương mại tổ chức ngày 9-9 ở Hà Nội.

Chúng tôi xin giới thiệu một số vụ tranh chấp tiêu biểu giữa DN VN và DN Trung Quốc (TQ) mà VIAC đã phán quyết.

Đòi 9 tỉ, chỉ được gần 1 tỉ

Một công ty của TQ bán thiết bị đồng bộ cho một nhà máy thủy điện của công ty VN. Quá trình thanh toán giữa hai công ty bị trục trặc. Công ty của TQ (nguyên đơn) kiện công ty của VN (bị đơn) lên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC đòi công ty VN trả tiền.

Tuy nhiên, công ty VN kiện ngược lại công ty TQ vì đã vi phạm thời gian giao hàng, lắp đặt chuyển giao công nghệ nên công ty của VN bị thiệt hại về doanh thu do chậm khai thác phát điện. Phần thiệt hại này được tính toán trên cơ sở từ thời gian phải hoàn tất việc lắp đặt, phát điện theo hợp đồng cho đến ngày nhà máy điện hòa được mạng lưới điện quốc gia.

Theo hợp đồng hai bên ký kết, ngày phải hoàn tất lắp đặt phát điện chậm nhất là 30-10-2011, ngày thực tế hòa lưới điện quốc gia là tháng 2-2012. Thiệt hại phát sinh do hành vi chậm trễ của công ty TQ được tính là bốn tháng kể từ tháng 11-2011 đến tháng 2-1012. Công ty VN yêu cầu công ty TQ bồi thường thiệt hại phần thu nhập lẽ ra phải có trong bốn tháng với số tiền hơn 9,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài (HĐTT), công ty VN không cung cấp được chứng cứ đầy đủ và chính xác để xác định mức độ thiệt hại cụ thể. HĐTT đã xem xét và nhận thấy trong quá trình tranh luận tại phiên họp giải quyết tranh chấp, về cơ bản ý chí của hai bên đã gặp nhau ở mức bồi thường thiệt hại là khoảng 20% trên tổng doanh thu. Tổng doanh thu bán điện tháng 11 và 12-2012 của công ty VN là hơn 4,7 tỉ đồng. Công ty TQ phải bồi thường cho công ty VN gần 1 tỉ đồng.

Điều này cho thấy việc xác định khoản lợi trực tiếp của công ty VN là rất khó.

Một công trình thủy điện. Ảnh minh họa: CTV


Không bị phạt vì chậm chưa… đủ ngày!

Trường hợp khác, một công ty TQ ký hợp đồng bán thiết bị đồng bộ cho nhà máy thủy điện của công ty VN. Sau đó, công ty của TQ (nguyên đơn) kiện công ty của VN (bị đơn) và yêu cầu phạt công ty VN vi phạm hợp đồng

Tuy nhiên, trong hợp đồng máy chính hai bên ký đã quy định: “Nếu bên bán không thực hiện đúng thời gian giao hàng theo hợp đồng, bị chậm cứ mỗi 15 ngày sẽ bị phạt 1% tổng giá trị hợp đồng”. Bị đơn cho rằng tính đến thời điểm cuối cùng khi bị đơn nhận được toàn bộ thiết bị thì nguyên đơn đã giao trễ. Do vậy, theo bị đơn, nguyên đơn phải bị áp dụng chế tài phạt vi phạm với mức bằng 10% tổng giá trị hợp đồng.

Dựa trên các tài liệu, ý kiến của các bên cùng với HĐTT, cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý xác định ngày giao hàng cuối cùng là ngày 5-7-2010, ngày mà nguyên đơn đã giao cho bị đơn số thiết bị có tổng giá trị là 4,5 triệu nhân dân tệ tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.

Đối chiếu với một số quy định trong hợp đồng, cùng với ý kiến của các bên tại phiên họp HĐTT thì nguyên đơn đã giao đủ số lượng hàng hóa theo hợp đồng máy chính phù hợp với quy định của hợp đồng. Vì vậy, bị đơn không có cơ sở để yêu cầu nguyên đơn trả tiền phạt.

Song bị đơn đã kiện lại. Theo bị đơn, lẽ ra nguyên đơn phải giao thiết bị tủ đóng cắt 35 kV vào ngày 5-7-2010 nhưng thời điểm giao thực tế là 13-7-2010, chậm tám ngày. Nếu chiếu theo quy định “cứ mỗi 15 ngày chậm giao hàng sẽ bị phạt 1%” thì không đủ thời gian để tính tiền phạt như hai bên đã thỏa thuận…

Với lô hàng giao đợt 3 ngày 31-12-2010, nguyên đơn đã giao chậm 179 ngày (tính từ hạn cuối giao hàng: Ngày 5-7-2010). Tổng giá trị của số thiết bị giao chậm này được hai bên thống nhất là 5.000 USD. Tuy nhiên, lô hàng này lại không nằm trong quy định về phạt vi phạm do giao hàng chậm nên HĐTT cũng không chấp nhận yêu cầu đòi tiền phạt của bị đơn đối với nguyên đơn. Như vậy, nếu hợp đồng không thỏa thuận rõ về mức phạt thì dù có vi phạm cũng không đòi được tiền phạt.

Tranh chấp thương mại ngày càng tăng
Hội nhập đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN  VN và các DN nước ngoài. Nhưng ngoài các cơ hội luôn có rủi ro, đặc biệt là nguy cơ phát sinh tranh chấp. Theo thống kê của VIAC, số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC trong các lĩnh vực tăng khoảng 40%/năm.
 
Để giảm bớt tranh chấp thương mại, các DN cần tìm hiểu kỹ về năng lực, uy tín của đối tác trước khi hợp tác. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC cho thấy do không tìm hiểu đối tác kỹ, DN gặp phải những đối tác thiếu thiện chí dẫn đến phát sinh tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết trọng tài cũng gặp khó khăn do đối tác không có khả năng tài chính để thi hành phán quyết trọng tài.
 
Đồng thời, DN luôn phải cảnh giác với những đơn hàng, đề xuất có điều khoản hấp dẫn một cách bất thường. Các DN cần phải tập trung để có một hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, chính xác, đúng pháp luật để chủ động xác định được quyền và nghĩa vụ cũng như kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
Ông VŨ ÁNH DƯƠNG, Tổng Thư ký VIAC
 
Theo Chân Luận (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật