Doanh nghiệp vận tải "cố thủ", không chịu giảm giá cước

20/08/2015 10:56:02

Trong vòng hơn 1 tháng qua, xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh nhưng theo ghi nhận, cước vận tải hành khách, taxi hay hàng hóa đều không giảm.

Trong vòng hơn 1 tháng qua, xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh nhưng theo ghi nhận, cước vận tải hành khách, taxi hay hàng hóa đều không giảm.

Hành khách chưa được hưởng lợi từ việc giá xăng liên tiếp giảm

 
Taxi chưa hề giảm cước

3 lần xăng giảm giá liên tiếp, với mức giảm không nhỏ đã giúp các doanh nghiệp vận tải dễ thở hơn sau thời gian khá dài tăng giá nhiên liệu. Song, điều dễ thấy là các doanh nghiệp vận tải dường như nhạy cảm hơn với giá xăng tăng. Khi xăng dầu điều chỉnh tăng với mức chỉ từ 500-1.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là taxi đã lập tức nghĩ đến việc điều chỉnh giá cước. Ngược lại, khi giá xăng giảm, doanh nghiệp vận tải lại trở nên kém nhạy cảm. Hiện nay, mỗi ngày, các doanh nghiệp taxi đang bỏ túi số tiền lớn sau khi giá xăng giảm liên tiếp. Trong khi đó, người tiêu dùng thì vẫn phải chấp nhận giá cước vận tải cao.

Một lái xe taxi hãng Hương Lúa cho hay, trong các lần tăng giá xăng trước đây, hãng không tăng giá cước nên thu nhập của anh em lái xe cũng giảm theo. “Việc xăng giảm liên tiếp 2 lần vừa qua cũng giúp cánh lái xe taxi dễ thở hơn một chút”, anh Nguyễn Hoàng Đoàn, lái xe taxi Hương Lúa phân trần.

Nhiều lý do “né” giảm cước

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho hay, trong kinh doanh vận tải, xăng dầu chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc cấu thành giá cước, từ 30-40%. Do đó, sự lên xuống của thị trường xăng dầu tác động rất lớn đến giá cước vận tải. Khi giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp không tăng giá trước đó nên lợi nhuận tăng thêm cũng không lớn. Song Hiệp hội Vận tải  ô tô Việt Nam cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tính toán giá cước hợp lý trong xu hướng giá nhiên liệu liên tục biến động như vừa qua. Nếu giá xăng dầu tăng giảm trên dưới 10% thì các doanh nghiệp nên điều chỉnh giá cước.

Một trong những lý do nữa mà các doanh nghiệp đưa ra để kìm hãm việc giảm giá cước là chi phí đầu vào tăng lên. Một doanh nghiệp vận tải khách lấy ví dụ, một xe khách chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình chi phí hết 140.000 đồng cầu đường/lượt. Đó còn chưa tính trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ đang đề xuất được thu phí sau khi hoàn thiện, nâng cấp.

“Xăng dầu giảm được một chút thì các chi phí cầu đường, chi phí vô hình cũng phát sinh thêm, doanh nghiệp vận tải cũng không thu lời bao nhiêu từ việc này”, đại diện một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình bày tỏ.

Cuối năm 2014, đầu 2015, xăng dầu liên tiếp giảm giá kỷ lục, nhưng vận tải không giảm cước tương ứng. Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã cùng vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai, tính toán lại giá thành và giảm cước vận tải phù hợp. Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập nhưng rồi các doanh nghiệp cũng chỉ đủng đỉnh giảm cước chiếu lệ.

Theo lý giải, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đã hoạt động theo cơ chế thị trường, tự định giá và cạnh tranh nên không chịu sự điều tiết của các bộ, ngành. Vì vậy, có thể hiểu vì sao thời gian vừa qua giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng…
 
Theo Ngân Tuyền (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật