Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại tổ (ngày 22/5), Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) nêu quan điểm, không thể chấp nhận một xã hội mà doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay.
Chỉ ra điểm bất hợp lý khi cơ chế tạo ra siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư như vậy, ông Hoàng Anh đề nghị phải tăng cường kiểm soát thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu không, nhà nước thất thoát nguồn thu nội địa lớn.
“Khi đầu tư không phải là siêu lợi nhuận nữa thì người ta cũng sẽ không đổ xô đi “chạy” dự án, đi xin công trình nữa. Hơn nữa, dự án đầu tư kỹ thuật lớn cần ràng buộc điều kiện năng lực, , không thể để ai cũng đi làm đường cao tốc, ai cũng xây nhà chung cư, rồi dẫn đến cháy nổ như vừa qua. Cần giảm lợi nhuận bằng việc thu thuế để giảm chạy chọt dự án”, ông Hoàng Anh kiến nghị.
Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Hữu Thuận (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo Thuận Hữu), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân bày tỏ băn khoăn về đề xuất đánh thuế tài sản gây nên những thắc mắc, hoài nghi trong dư luận.
Ông cho biết, cá nhân ủng hộ việc đánh thuế tài sản. Tuy nhiên, phải cân nhắc giá trị tài sản để đánh thuế, thời gian thực hiện... "bây giờ cứ có cảm giác phí cứ chồng lên phí", ông Nguyễn Hữu Thuận bày tỏ.
Theo ông, khi đã đánh thuế tài sản thì phải thôi các loại phí khác liên quan đến tài sản. "Bắt đầu một cái nhà, từ trước bạ... úi giời, đủ thứ"- nhà báo Thuận Hữu nói. Liên quan đến phí môi trường đối với xăng dầu, ông cho rằng "người ta cũng thấy có cái gì đó không thỏa đáng và có cảm giác tận thu".
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)