Doanh nghiệp quốc tế 'trên đe dưới búa' ở Trung Quốc

05/04/2021 17:05:01

Sau nhiều năm cố gắng tuân thủ quy tắc khắt khe của thị trường Trung Quốc, các tập đoàn quốc tế tiếp tục gặp sóng gió vì vấn đề Tân Cương.

Sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể cưỡng lại. Tầng lớp trung lưu tại đây ngày càng tăng giúp tạo nên thị trường tiêu dùng phong phú cho nhiều công ty nước ngoài, từ ô tô, thời trang đến xa xỉ phẩm và phim ảnh.

"Việc xâm nhập được thị trường nội địa Trung Quốc luôn hấp dẫn. Nhiều năm trước, khi các công ty lần đầu tiên tới đây, dù không kiếm được lợi nhuận trong vài năm, họ vẫn bám trụ bởi niềm tin rằng người dân Trung Quốc sẽ khá giả hơn và chịu chi hơn", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.

Tuy nhiên, để tiến được vào thị trường Trung Quốc, các tập đoàn quốc tế phải thuyết phục được những cơ quan quản lý nổi tiếng nghiêm ngặt của nước này. Trước hết, họ thường bị yêu cầu nhượng bộ một số khía cạnh nhất định, như thành lập doanh nghiệp liên doanh với các đối tác Trung Quốc.

Mặc dù một số quy tắc đã được nới lỏng trong những năm gần đây, chúng vẫn là nguồn cơn gây căng thẳng, khi các doanh nghiệp quốc tế phàn nàn rằng họ phải chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Có những công ty bị "cấm cửa" hoàn toàn vì từ chối tuân thủ như Google, ứng dụng tìm kiếm từng hoạt động tại Trung Quốc từ năm 2006 đến 2010.

Doanh nghiệp quốc tế 'trên đe dưới búa' ở Trung Quốc
Bên trong trung tâm mua sắm Xintiandi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: JingDaily.

Ngay cả các công ty được phép tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục chịu những áp lực "trên đe dưới búa" có thể gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh. Năm 2017, một số cửa hàng do Lotte sở hữu phải đóng cửa trên khắp Trung Quốc, sau khi tập đoàn này bị cuốn vào tranh cãi giữa các bên về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Bắc Kinh phản đối Seoul gay gắt vì quyết định "bật đèn xanh" cho THAAD, bởi họ coi tổ hợp tên lửa này là mối đe dọa an ninh.

Một năm sau, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không American Airlines (AAL), Delta (DAL) và United (UAL) thay đổi cách gọi đảo Đài Loan là "quốc gia", nếu không muốn nhận lệnh trừng phạt từ một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tới năm 2019, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) cũng vướng vào rắc rối với Trung Quốc, sau khi giám đốc thể thao Daryl Morey đăng bài lên Twitter ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cắt sóng các trận đấu của NBA. Tất cả đối tác Trung Quốc của giải đấu cũng đình chỉ quan hệ với NBA.

Ngay cả những doanh nghiệp quốc tế có quan hệ khá chặt chẽ với Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Tesla, tập đoàn vốn được hưởng nhiều biệt đãi từ Bắc Kinh, gần đây vướng rắc rối sau khi đặt nghi vấn về chất lượng của dòng xe điện Model 3 sản xuất ở Thượng Hải, cũng như hoài nghi về việc camera trên xe có thể được dùng cho mục đích do thám. Vài ngày sau, CEO Elon Musk hết lời tán dương Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước.

"Các doanh nghiệp vốn đã bị buộc phải chọn bên và họ đã rất nỗ lực để không phải thể hiện điều đó một cách công khai", Isaac Stone Fish, nhà sáng lập kiêm CEO của Strategy Risks, công ty nghiên cứu tập trung vào rủi ro doanh nghiệp tại Trung Quốc, nhận định. Fish đánh giá NBA là "ví dụ điển hình nhất" cho hiện tượng này.

Theo giới phân tích, các doanh nghiệp nước ngoài hầu như luôn gặp bất lợi khi làm ăn với Trung Quốc. Chuyên gia Glaser chỉ ra rằng nước này có đòn bẩy kinh tế rất lớn và thường tận dụng nó để gây sức ép với một lĩnh vực, ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp nhất định, trong khi Trung Quốc ít bị ảnh hưởng nhất.

Glaser lấy ví dụ về căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Australia. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc như rượu vang, thịt bò, gỗ đã bị Bắc Kinh áp thuế cao hoặc tăng cường rào cản, sau khi Canberra thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu của Australia có vai trò quan trọng với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, như quặng sắt, lại "thoát nạn".

Vấn đề Tân Cương gần đây nổi lên, khiến các doanh nghiệp càng khó làm hài lòng tất cả, khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới cũng bắt đầu gây áp lực lên những công ty mà họ cho rằng không hành động đủ để giải quyết các cáo buộc vi phạm nhân quyền và "cưỡng bức lao động" ở khu vực này.

Mỹ cùng phương Tây tăng sức ép với Trung Quốc khi cáo buộc nước này đàn áp người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bằng "lao động cưỡng bức", bắt giam hàng loạt, dù Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ. Hai bên công kích lẫn nhau và đưa ra những lệnh trừng phạt "ăn miếng trả miếng".

Vài ngày sau các lệnh trừng phạt, H&M, Nike, Adidas và nhiều hãng bán lẻ phương Tây khác bị đe dọa tẩy chay tại Trung Quốc, vì đưa ra lập trường chống lại hành vi bị cáo buộc là sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương.

Ngay từ mùa hè năm ngoái, nhiều thương hiệu toàn cầu, bao gồm Nike và Adidas, đã đối mặt áp lực to lớn từ các nhà hoạt động nhân quyền trong việc đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không liên quan gì đến Tân Cương. Trung Quốc giờ đây lại sử dụng chính những tuyên bố của các công ty tại thời điểm đó để chống lại họ.

Các sản phẩm của H&M bị gỡ khỏi những trang web thương mại điện tử do Alibaba và JD vận hành sau cơn thịnh nộ của người dân Trung Quốc, trong khi Nike và Adidas dường như không chịu ảnh hưởng nặng nề đến vậy. James McGregor, chuyên gia tại công ty tư vấn APCO Worldwide, cho rằng quan hệ sâu sắc giữa Trung Quốc với hai thương hiệu này có thể đã cứu họ.

"Tiền quảng cáo của Nike và Adidas vô cùng quan trọng đối với thể thao Trung Quốc. Có những tổ chức Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tiền từ hai hãng này và các thương hiệu thể thao khác. Trong khi đó, H&M chỉ là một nhà bán lẻ trên thị trường", McGregor giải thích.

Căng thẳng thậm chí được đánh giá có thể trầm trọng hơn vào những tháng tới, khi Bắc Kinh dự kiến tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022. Hàng chục nhóm vận động quốc tế đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay sự kiện thể thao này.

McGregor cho rằng xét đến cùng, uy tín của Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế nếu căng thẳng bị đẩy lên cao trào. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn bị rơi vào thế khó. "Hầu hết họ chỉ đang cố gắng né tránh để vượt qua sóng gió ngay bây giờ", ông nói.

Sau làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc, H&M hôm 31/3 đưa ra phản hồi với những câu từ cẩn trọng và mơ hồ, dường như phản ánh rõ áp lực mà tập đoàn này đang phải hứng chịu.

"Chúng tôi đang làm việc cùng các đồng nghiệp Trung Quốc để làm mọi điều có thể, nhằm xử lý những thách thức hiện tại và tìm ra con đường phía trước", H&M cho hay.

Theo Ánh Ngọc (Vnexpress.net)

Nổi bật