Dưới nhiều bài viết trên Fanpage chính thức hơn 39 triệu like của thương hiệu đến từ Thụy Điển, hàng chục nghìn bình luận với nội dung bức xức yêu cầu H&M lên tiếng cho vụ việc này và cũng như rút khỏi thị trường Việt Nam.
Không ít người bày tỏ sự thất vọng trước thương hiệu mà họ từng tin dùng, thậm chí kêu gọi tẩy chay thương hiệu này.
"Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền", Tuan Phi Lương bình luận trên Fanpage H&M Việt Nam.
"Quá thất vọng với thương hiệu này", tài khoản Trần Ngọc bình luận.
Liên hệ H&M Việt Nam, truyền thông của thương hiệu này cho biết chưa thể đưa ra bất cứ bình luận nào về sự việc.
Cụ thể, giữa bối cảnh H&M đứng trước sức ép bị Trung Quốc tẩy chay sau những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và phương Tây liên quan vấn đề nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, H&M được cho là đã cố gắng xoa dịu khách hàng Trung Quốc khi thương hiệu này đang hứng làn sóng tẩy chay tại quốc gia tỷ dân.
Theo Wall Street Journal, chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết H&M "đồng ý thay đổi một bản đồ có vấn đề".
Sự việc này dấy lên trên mạng xã hội Việt những bức xúc, khi có thông tin cho rằng, H&M đã sửa bản đồ Trung Quốc từ không có đường lưỡi bò sang có hiển thị đường lưỡi bò phi pháp trên website của hãng này.
Hiện tại, làn sóng tẩy chay H&M vẫn đang "nóng" mọi diễn đàn, trang mạng xã hội. Tối 3/4, một ngày sau khi sự việc dấy lên và chưa có dấu hiệu lắng, cửa hàng H&M tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường.
"Cho tới khi có thông tin chính thức từ phía thương hiệu, tôi sẽ quyết định có còn ủng hộ thương hiệu này hay không. Nếu như đúng là có sự việc họ đăng bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò phi pháp, tôi sẽ không mua đồ của họ", Thùy Trang (trú tại Dương Nội, Hà Đông) chia sẻ quan điểm về sự việc khi cô quyết định không mua sắm ở cửa hàng H&M tại Hà Đông.
Là hãng thời trang lớn có hơn 5.000 cửa hàng trên toàn cầu, H&M tiến công vào thị trường Việt Nam từ năm 2017 với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Trong ngày đầu tiên ra mắt, ước tính H&M đã thu hút khoảng 12.000 khách tham quan, mua sắm.
Cũng trong năm đầu tiên này, doanh thu của H&M là 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 152 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 67%. Lợi nhuận trước và sau thuế của H&M chỉ là 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Sang năm 2018 doanh thu H&M tăng gấp 3 lần, lên 763 tỷ đồng và năm 2019 tăng tiếp lên 1.116 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hai năm này là 11 tỷ đồng và 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định ở mức 65-66%
Đến nay, thương hiệu thời trang Thụy Điển có tổng số 12 cửa hàng ở Hà Nội, TP. HCM và Cần Thơ, Đà Nẵng, Hạ Long.
Theo Hoàng Linh (Doanh nghiệp và Tiếp thị)