Doanh nghiệp ngoại lạc quan về tương lai của Việt Nam

08/11/2017 09:22:00

Lãnh đạo các công ty tới APEC lần này đều lạc quan về triển vọng kinh doanh và muốn thành đối tác của Việt Nam.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra trong ngày 7/11 được coi là cơ hội giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực. Hàng nghìn đại diện doanh nghiệp đã tham gia các cuộc thảo luận về cơ hội kinh doanh, nông nghiệp bền vững hay đặc khu kinh tế.

Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận định lạc quan về triển vọng và muốn thành đối tác của Việt Nam. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55 trên 137 nước. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam thứ 68 trên 190 quốc gia về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm trước.

Tại VBS hôm nay, ông James Fatheree - Phó chủ tịch khu vực Châu Á - Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất muốn trở thành đối tác và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Nghiên cứu gần đây của họ cho thấy giám đốc các công ty thành viên AmCham tại 10 nước ASEAN coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong khu vực khi muốn mở rộng kinh doanh. 72% lãnh đạo công ty có trụ sở tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh trong vài năm tới. Rất ít doanh nghiệp nghĩ đến việc không hoạt động tại Việt Nam.

Doanh nghiệp ngoại lạc quan về tương lai của Việt Nam
Hàng nghìn doanh nghiệp đã tới VBS để tìm cơ hội hợp tác. Ảnh: Nguyễn Đông

Lãnh đạo các công ty Mỹ nhận định dù còn lo ngại về nhiều vấn đề, như tham nhũng, hệ thống quy định còn nặng nề, sự thiếu chắc chắn trong các hợp đồng, Chính phủ Việt Nam đã có tiến bộ trong việc giải quyết những việc này. Và họ muốn cùng hợp tác để khắc phục các điểm yếu đó.

Ông Liam Mallon - Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil thì cho rằng Việt Nam đang trong cuộc đua giành đầu tư từ nước ngoài. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay, nếu Việt Nam chứng minh được mình sẵn sàng.

Ông nhận xét Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định, bền vững. Những thành công lớn nhất của Chính phủ là tăng tỷ lệ tiếp cận điện năng, đầu tư cho giáo dục và nâng cao tuổi thọ trung bình. Ông kỳ vọng tuần lễ APEC sẽ là một yếu tố tích cực và là cú hích cho Việt Nam sau cơn bão vừa qua.

Trao đổi với VnExpress, ông Indronil Sengupta – CEO Tata Sonslimited tại Việt Nam cũng nhận định Việt Nam là một nơi thú vị để kinh doanh. “Tôi đã ở đây 10 năm. Chúng tôi hiện diện trong nhiều lĩnh vực, từ thép, năng lượng, cà phê  đến ôtô. Lợi thế của Việt Nam chính là dân số trẻ, ham học hỏi, bắt kịp xu hướng và công nghệ mới. Một lợi thế lớn khác là ổn định chính sách. Tại một quốc gia có chính sách ổn định như Việt Nam, nhà đầu tư sẽ tự tin kinh doanh”, ông cho biết.

Nhận xét về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại VBS, ông Sengupta ấn tượng với “chính phủ kiến tạo”. Ông cho rằng đây là tư tưởng năng động và tiên tiến. Lãnh đạo Tata Sonslimited khẳng định bất kỳ quốc gia nào cũng có khó khăn, nhưng mọi việc đều có thể cải thiện dần dần. Và VBS năm nay chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện mình là điểm đến thú vị cho nhà đầu tư.

Ông Taylor Sholler – Giám đốc cấp cao hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Applied Materials (Mỹ) thì cho rằng các cam kết của Thủ tướng tại VBS “khá ấn tượng và đáng suy nghĩ”. Công ty này chưa có hoạt động kinh doanh trực tiếp ở Việt Nam, mà chỉ có nhà cung cấp tại đây. Dù vậy, ông Sholler cho biết công ty có dự định đầu tư sang Việt Nam và đây là một phần lý do họ tới APEC, để tìm hiểu cơ hội.

“Nhưng những công ty khác nói với chúng tôi rằng việc đầu tư đang mang lại kết quả tốt. Chúng tôi cũng cảm thấy khá lạc quan”, ông nói.

Trong khi đó, Giám đốc Truyền thông toàn cầu của PwC – Mike Davies nhận định lợi thế lớn của Việt Nam là kinh tế đang tăng trưởng mạnh, lực lượng lao động tốt và chính phủ cởi mở với đầu tư ngoại.

“Tôi chưa nghĩ ra được điểm bất lợi đặc thù nào. Vì ai cũng muốn tìm một nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài, công bằng, mức thuế tốt, minh bạch. Đây là thách thức với mọi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam”, ông nhận xét.

Davies cũng cho rằng các cam kết của Thủ tướng thì hoàn toàn khả thi. Nếu một quốc gia muốn chuyển dịch khỏi mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, họ nhất định phải thúc đẩy khởi nghiệp, áp dụng công nghệ mới và thu hút đầu tư. Ông lạc quan rằng Việt Nam có thể làm được những điều đó.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)