Sáng nay, ngày 21.4, Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018. Nội dung được cho là để thông qua đối tác ngân hàng sẽ sáp nhập, hợp nhất.
“Tình duyên” trắc trở của PGBank
Giai đoạn sau khủng hoảng, một loạt thương vụ M&A ngành ngân hàng đã được thực hiện. Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Western Bank và một trường hợp khác dù không thuộc diện yếu kém nhưng cũng tự nguyện sáp nhập là DaiABank đã “biến mất” khỏi bản đồ ngành ngân hàng. Nằm trong diện tái cơ cấu nhằm thực hiện chỉ thị của Chính phủ về giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex, PGBank bắt đầu rộ lên từ đầu năm 2014 với những đồn đoàn là cái tên tiếp theo tìm kiếm hôn sự.
Thông tin về thương vụ sáp nhập giữa nhà băng này và VietinBank xuất hiện từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 trong tờ trình về phương án tái cơ cấu. Theo thông tin khi đó, PGBank cho biết trong quá trình tìm kiếm đối tác và lựa chọn phương án tái cấu trúc, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thể hiện rõ nhất thiện chí hợp tác cùng PGBank.
Đơn vị này cũng cho hay, cả hai bên nhận thấy phương án tối ưu là sáp nhập và hoán đổi cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức bộ máy, lĩnh vực hoạt động và thương hiệu PGBank. Như vậy, PGBank sẽ là đơn vị thành viên trực thuộc Vietinbank, theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng.
Đến đầu năm 2015, chủ trương này đã được ĐHĐCĐ thường niên của PGBank và VietinBank thông qua. Theo phương án khi đó, VietinBank dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi với PGBank theo tỷ lệ 1:0,9. Sau thương vụ, Petrolimex từ cổ đông lớn sở hữu 40% vốn của PGBank sẽ trở thành cổ đông của VietinBank với sở hữu hơn 2%.
Tuy nhiên, dù đã ký bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác, song thương vụ sáp nhập này liên tục bị trì hoãn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của VietinBank, đại diện nhà băng này cho biết thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank vẫn chưa thể hoàn thành do vướng thủ tục và chưa nhận được sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền. Theo đó, sau khi thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định lại giá trị cổ phiếu PGBank, VietinBank đang trong quá trình đàm phán, thống nhất với đối tác, để báo cáo lại cơ quan quản lý về thương vụ này.
Đến cuối năm 2017, sau hơn 3 năm trì hoãn, cuối cùng cả hai ngân hàng cùng thông báo sẽ dừng việc sáp nhập. Theo BCTC kiểm toán năm 2017 của VietinBank, nhà băng này cho biết thương vụ sáp nhập chưa diễn ra theo kế hoạch do cơ quan quản lý yêu cầu VietinBank rà soát, cập nhật lại kết quả đánh giá cổ phiếu PGBank; đồng thời tính toán, đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa các bên.
Dù thuộc diện tái cơ cấu, tuy nhiên PGBank vẫn được xếp vào nhóm ngân hàng có nội tại tốt khi vấn đề vướng mắc chủ yếu do sở hữu của Petrolimex vượt quá 20% theo Luật các tổ chức tín dụng.
Mới đây, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết ngân hàng này đã trình NHNN phương án tăng vốn và không tiếp tục thực hiện sáp nhập với PGBank nữa.
Một sự trùng hợp thú vị, sáng nay, Vietinbank cũng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua phương án tăng vốn và huỷ kế hoạch sáp nhập với PGBank.
Việc không sáp nhập được với VietinBank lại mở ra cơ hội cho những ngân hàng tầm trung, vốn cần bàn đạp để vượt lên.
MB hay HDBank?
Khi thông tin VietinBank “rút lui” khỏi hôn sự với PGBank, từ cuối năm 2017 đã xuất hiện thông tin PGBank có thể sáp nhập với Ngân hàng Quân đội (MBBank).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của ngân hàng này mới tổ chức, Tổng giám đốc MBBank, ông Lưu Trung Thái cho biết đã nghiên cứu một số đơn vị có triển vọng trở thành đối tác M&A, trong đó có PGBank. Theo ông Thái, hai bên đang trong quá trình đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu, dù chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết.
So với nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, MBBank là cái tên cuối bảng xét về khía cạnh quy mô, cũng như tổng tài sản. Việc tìm kiếm đối tác để sáp nhập, hay bán vốn cho cổ đông ngoại luôn là đề tài nóng trong các mùa ĐHĐCĐ gần đây. Dù nhiều năm nay, những kỳ vọng của HĐQT nhà băng này vẫn chưa thể thực hiện.
Tuy nhiên, gần đến thời điểm ĐHĐCĐ bất thường bàn việc tái cấu trúc của PGBank, thị trường xuất hiện những thông tin khác cho biết ứng viên có thể sáp nhập với nhà băng này có thể là HDBank, ngân hàng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Điều này cũng không phải không có căn cứ.
Thực tế HDBank cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên cùng thời điểm với PGBank, cùng ngày 21.4. Trong báo cáo của HĐQT gửi các cổ đông, HDBank cho biết ngân hàng có định hướng trong việc mua bán, sáp nhập, tìm đối tác chiến lược nhằm đưa HDBank trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam về quy mô.
Trước đó, ngày 19.4, Petrolimex và HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược tại trụ sở Petrolimex ở Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ với các công ty chứng khoán trước đó 2 ngày, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho biết ngân hàng này vẫn luôn tìm kiếm cơ hội M&A với đơn vị cùng chí hướng.
Với những ngân hàng thuộc quy mô trung bình như MBBank hay HDBank, tìm kiếm cơ hội sáp nhập là cơ hội nhanh nhất để bứt top lên nhóm cao hơn trên bản đồ ngành ngân hàng. Chưa rõ ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này, tuy nhiên việc thực hiện cũng sẽ không dễ dàng khi VietinBank đã phải buông xuôi sau hơn 3 năm tìm hiểu.
Tuy vậy, việc “ôm” PGBank cũng khiến người thắng cuộc là MB hoặc HDBank cũng đau đầu với những tồn tại cố hữu của ngân hàng này, mà Vietinbank trước đó không thể vượt qua.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 80 tỷ đồng, sụt giảm gần một nửa so với năm trước đó là 153,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 3,2%, tăng mạnh so với năm 2016 là 2,45%, cùng với đó là các phải thu tăng vọt lên 984,2 tỷ đồng. Luỹ kế đến cuối năm 2017, PGBank đã bán nợ xấu cho VAMC với mệnh giá là 2.229 tỷ đồng.
Theo Ngọc Lan (Dân Việt)