Uber, Grab vào Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn phương thức vận tải đô thị với giá rẻ hơn, chất lượng dịch vụ cũng không tệ. Điều đó đã “lấy lòng” được người dân nhưng lại “mất lòng” các hãng taxi, xe ôm truyền thống.
Cách đây 42 năm, chàng trai 24 tuổi người Mỹ Steven Sasson - một nhân viên làm việc tại Kodak đã tới gặp sếp mình để giới thiệu một thiết bị chụp ảnh mà không cần sử dụng tới phim. Khi đó, Kodak là công ty sản xuất máy ảnh lớn nhất thế giới.
Trái với sự háo hức của Steven, các sếp Kodak tỏ ra thờ ơ với phát minh này vì “chẳng ai muốn xem ảnh trên một màn hình lớn như chiếc ti vi cả”.
Dù càng về sau, Steven càng hoàn thiện phát minh của mình hơn, nhưng Kodak vẫn một mực “nói không” với chiếc máy ảnh không cần phim.
Không phải Kodak không nhìn ra tiềm năng của máy ảnh số, mà họ lo sợ rằng máy ảnh số sẽ “khai tử” máy phim. Khi ấy chẳng ai cần mua phim của Kodak nữa – trong khi phim lại là một trong những nguồn thu chủ yếu của Kodak.
Khi đó, Steven đã cảnh báo các sếp rằng thời đại máy ảnh số sẽ đến và Kodak chẳng thể làm gì để ngăn cản nổi nó.
Steven và phát minh ảnh kỹ thuật số. |
Phát minh của Steven được nhiều hãng công nghệ mua lại. Kết quả là, năm 2012, “người khổng lồ” Kodak chính thức nộp đơn xin phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với máy ảnh kỹ thuật số. Chậm trễ thay đổi đã lấy đi cơ hội sống còn của Kodak.
Khi Nokia vững vàng ở vị trí số 1 trên thị trường điện thoại, Apple vẫn chẳng là gì. Nhưng khi Apple ra mắt iPhone dùng hệ điều hành iOS, mọi chuyện đã khác. Giờ đây, Apple thế chỗ Nokia thành người khổng lồ, còn Nokia đi theo vết xe đổ của Kodak ngày nào: Phá sản!
Lúc ấy, người ta mới nhận ra một trong các do khiến đế chế Nokia sụp đổ là bám quá lâu vào hệ điều hành Symbian cũ kỹ. Chậm thay đổi khiến Nokia phải trả giá đắt.
Những câu chuyện kể trên có nhiều nét tương đồng với sự ra đời của Uber, Grab, cùng “trận đại chiến” đang vào giai đoạn nóng bỏng nhất với taxi, xe ôm truyền thống.
Uber, Grab vào Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn phương thức vận tải đô thị với giá rẻ hơn, chất lượng dịch vụ cũng không tệ. Điều đó đã “lấy lòng” được người dân nhưng lại “mất lòng” các hãng taxi, xe ôm truyền thống.
Tố cáo, nói xấu, căng băng rôn, khẩu hiệu diễu hành phản đối… các hãng taxi truyền thống tìm đủ cách chặn bước tiến của Uber, Grab.
Còn xe ôm truyền thống và “xe ôm công nghệ” đã trải qua không biết bao cuộc đụng độ theo đúng nghĩa đen. Nắm đấm, gậy gộc… dồn dập giáng xuống xe ôm công nghệ. Máu đã đổ trong các cuộc chiến giành giật cơm áo khốc liệt này.
Điểm chung của những câu chuyện trên đây chính là cuộc chiến của cái cũ với cái mới. Phương thức truyền thống và công nghệ hiện đại
Đang có nhiều tranh cãi nhưng khách hàng mới là người định đoạt dịch vụ nào được tồn tại, chứ không phải những “lá đơn hành chính” đề nghị chấm dứt hoạt động của Uber, Grab, càng không phải nắm đấm và gậy gộc.
Buộc thay đổi và tự thay đổi mới là đường sống cho taxi và xe ôm truyền thống chứ không phải con đường nào khác. Dường như nhận ra điều đó, để cạnh tranh với Uber, Grab, các hãng taxi Vinasun, Mai Linh… liên tục cho ra mắt những ứng dụng công nghệ gọi xe tương tự. Các đại gia taxi này cũng đã tính chuyện gia nhập làng xe ôm công nghệ, cạnh tranh trực tiếp với Grabbike.
Nếu tinh ý có thể thấy những màu áo xanh phủ kín mặt đường của Grabbike cũng có sự thay đổi. Ngoài những gương mặt thanh niên non choẹt chạy Grabbike ngày nào, thì gần đây những gương mặt rám nắng, già dặn cũng dần xuất hiện. Dễ thấy đó là những người từng chạy xe ôm truyền thống đổi sang Grabbike trong bối cảnh không còn đường nào khác.
Nhưng Uber hay Grab không phải là hoàn hảo. Đơn cử như Uber, do còn quá mới mẻ nên Uber cũng đang bị đặt câu hỏi về nghĩa vụ nộp thuế, về việc làm sao bảo đảm thông tin cá nhân của khách hàng cũng như bảo đảm quyền lợi, sự an toàn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Uber hay Grap vẫn dường như thờ ơ trước việc đáp ứng các đòi hỏi về điều kiện kinh doanh vận tải khi cho mình là công ty công nghệ.
Còn về phía quản lý, khi cái mới ra đời, chẳng tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Trách nhiệm của nhà quản lý là nhanh chóng thiết lập được sân chơi cho những dịch vụ mới mà pháp luật không cấm, chứ không phải tìm cách ngăn cản, cấm đoán. Chẳng dễ gì quay lưng lại với một dịch vụ không bị cấm và được đông đảo người dân đón nhận. Bởi những cú đấm thô bạo chẳng thể nào ngăn cản bước tiến của công nghệ, nhất là trong làn sóng “cách mạng 4.0”.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)