Đồ chơi uy hiếp sức khỏe trẻ vẫn ngập thị trường

05/12/2019 10:44:11

Những món đồ chơi dành cho trẻ em này được bày bán với giá từ 15.000 - 200.000 đồng/chiếc ở các vỉa hè, cổng trường học. Màu sắc bắt mắt, mùi thơm ngọt và mềm dẻo nhưng khi bóp mạnh, đồ chơi sẽ bị chảy dịch nhầy, bên trong xuất hiện các hạt hỗn tạp đen trắng.

Đồ chơi uy hiếp sức khỏe trẻ vẫn ngập thị trường
Hàng loạt đồ chơi trẻ em được bày ở một siêu thị trên phố Quan Nhân chỉ được thể hiện bằng chữ Trung Quốc. Ảnh: B.LOAN

Hoang mang đồ chơi trẻ em không rõ xuất xứ

Có mặt tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đoạn đối diện Trường tiểu học Thái Thịnh (phố Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi được thoải mái lựa chọn các loại đồ chơi dành riêng cho trẻ em. Các mặt hàng bày bán ở đây rất đa dạng mẫu mã, chủng loại như xếp hình lego, siêu nhân, ghép hình siêu nhân, quả nặn dẻo, búp bê…

Một trong những sản phẩm mà chị Ng (chủ cửa hàng) giới thiệu với chúng tôi là quả nặn dẻo - món đồ chơi đang "hot" mà bé nào cũng thích. Quả nặn này có giá chỉ 25.000 đồng và có mùi thơm rất ngọt, dễ chịu.

Theo lời giới thiệu của chị Ng, quả nặn có hình dáng trái cây này được làm bằng cao su dẻo, bên trong có chất nhầy và vô số các hạt tròn nhỏ có kích thước bằng hạt lựu. Do tính chất mềm dẻo và mùi thơm phát ra nên các bé càng chơi, càng nặn sẽ càng thích.

Chị Ng cũng giới thiệu cho chúng tôi thêm các sản phẩm dành riêng cho bé trai như xếp hình siêu nhân, xếp hình lego, bộ câu cá các màu… Điều đáng nói là những sản phẩm chị Ng bày bán và giới thiệu đều được thể hiện bằng chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ thể hiện đơn vị nhập khẩu, phân phối; cũng không có cảnh báo, khuyến cáo trên các bao bì sản phẩm.

Một siêu thị trên phố Quan Nhân (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng bày bán đa dạng đồ chơi dành riêng cho trẻ em. Chủ siêu thị này đon đả giới thiệu các sản phẩm dành cho bé từ lắp ráp, ghép mảnh đến các sản phẩm chạy tự động bằng pin. Các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em được chủ siêu thị này bày bán từ trần nhà đến bậc thềm cửa, sát lối ra vào. Trên nhãn các sản phẩm này cũng không có nhãn phụ chứa các thông tin theo quy định ghi tem nhãn. Một dòng khuyến cáo tối thiểu về sự nguy hiểm mà sản phẩm có thể mang lại cho trẻ nhỏ hay độ tuổi trẻ em được phép tiếp cận cũng không có.

Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua số lượng lớn sản phẩm để bán lẻ ở địa phương khác, chủ siêu thị này bật mí: "Cô cứ lên phố Lương Văn Can hoặc chợ Ninh Hiệp ở huyện Gia Lâm, cái gì cũng có, mua số lượng càng lớn thì giá càng giảm. Nhưng kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em phải lựa chọn mặt bằng gần trường học thì may ra mới bán được, nếu ở khu trung tâm thì hàng hóa phải được bày bán trong siêu thị lớn. Bởi vì xu hướng chung hiện nay là người lớn mua hàng tiêu dùng thì trẻ nhỏ cũng được thoải mái lựa đồ chơi".

Đồ chơi trẻ em buộc phải có dấu hợp quy

Đồ chơi uy hiếp sức khỏe trẻ vẫn ngập thị trường - 1
Quả nặn bằng cao su dẻo giá 25.000 đồng, phát ra mùi thơm ngọt, chứa dung dịch lỏng bên trong.

Qua tiếp xúc trực tiếp với quả nặn mà chị Ng dành hết lời khen ngợi, chúng tôi nhận thấy món đồ chơi này có hình dáng trái cây rất bắt mắt. Khi dùng lực bóp nhẹ thì quả nặn biến dạng linh hoạt. Phần bị biến dạng không xuất hiện các vết nứt, vỡ mà co giãn theo lực tác động. Khi co giãn theo lực, bên trong quả nặn xuất hiện các hạt trắng trong, có kích thước bằng hạt lựu. Tuy nhiên, khi cầm hai đầu quả nặn này kéo mạnh, bên trong chảy dịch, xuất hiện vô số hạt hỗn tạp đen trắng. Do các dung dịch dạng lỏng bên trong điều tiết độ linh hoạt của các hạt nhỏ nên thoạt nhìn, phần bên trong quả nặn giống như có những con ấu trùng lúc nhúc, tạo cảm giác rất ghê sợ.

Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch đã nghiên cứu và chứng minh, những đồ chơi có độ dẻo linh hoạt đều chứa hóa chất độc hại, có thể gây tác động xấu đến trẻ em như gây xung huyết kết mạc mắt, tổn thương gan, ảnh hưởng khả năng sinh sản… Thực tế, tại Anh, một bé gái 9 tuổi đã bị bỏng tay khi chất nhầy của đồ chơi dẻo tràn ra.

Ngày 4/12, trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sản phẩm đồ chơi trẻ em thể hiện được nhãn phụ theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ vẫn chưa đủ, mà trước khi đưa ra thị trường, bán đến tay người tiêu dùng, trên hộp sản phẩm còn phải thể hiện được dấu hợp quy. Điểm này đã được quy định rõ trong Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ (QCVN 3:2009/BKHCN). Các sản phẩm được công bố hợp quy theo đúng quy định mới đảm bảo phù hợp các yêu cầu an toàn tối thiểu trước khi cho trẻ tiếp xúc.

Theo vị đại diện này, sở dĩ sản phẩm phải có dấu hợp quy cũng đồng nghĩa là sản phẩm đã "đạt chuẩn", đáp ứng đầy đủ các yếu tố pháp lý khác về chất lượng, nguồn gốc... Bởi dấu hợp quy là thể hiện được hàng hóa đó đã được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của trẻ em. Trong đó, một số đơn vị kiểm định có chức năng đã giám định những thành phần nhựa, thành phần chất lượng cấu tạo nên thành phần sản phẩm đó có nguy hại hay không. Trên thực tế, hiện nay, các sản phẩm không đủ yếu tố pháp lý được bán tràn lan ngoài thị trường là bởi khung hình phạt cho hành vi buôn lậu khá nhẹ nên không đủ tính răn đe.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)