Từng làm thuê kiếm sống
Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại tỉnh Trà Vinh, là người Việt gốc Hoa. Do cuộc sống quanh năm vất vả, khốn khó nên sau giải phóng, ông quyết định rời bỏ quê hương theo chân bạn bè cùng trang lứa lên TP.HCM lập nghiệp và bắt đầu bằng nghề làm thuê kiếm sống.
Trải qua thời gian tích cóp được chút tiền bạc, ông quyết định mua một mảnh đất nhỏ cạnh một con rạch ở phường 6, quận 6, TP Hồ Chí Minh rồi cải tạo mở cửa hàng buôn bán tạp hóa.
Năm 1991, nhận thấy thị trường chế biến lâm sản xuất khẩu có bước phát triển mạnh, ông dốc toàn bộ tài sản tích cóp được mở Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh và tự mình làm giám đốc. 4 năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.
Đến năm 1999, nhận thấy sự phát triển đầy tiềm năng của thị trường bất động sản, ông Trầm Bê lấn sân sang thị trường còn rất mới mẻ này.
Sau hàng tháng trời đi khảo sát, nhận thấy quỹ đất ở khu vực huyện Bình Chánh còn rất nhiều, hơn nữa khu vực này là cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên tương lai chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh và ông quyết định dốc hầu bao mua cổ phần của Công ty Phát triển nhà Bình Chánh (BCCI) với số lượng cổ phiếu đủ để ông được đứng vào hàng ngũ thành viên HĐQT.
Thời kỳ này BCCI với quỹ đất trống được giao rất lớn nên phát triển như vũ bão và danh tiếng Trầm Bê cũng bắt đầu nổi như cồn. Sẵn có đầu óc kinh doanh, lại thu được lợi nhuận lớn từ BCCI, năm 2001, ông Trầm Bê kết hợp với hai vị bác sỹ là Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương cùng góp vốn xây dựng Bệnh viện Đa khoa Triều An nằm trên đường Kinh Dương Vương thuộc phường An Lạc, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân), với sự đầu tư phòng ốc hiện đại có thể sánh với phòng ốc của khách sạn 3 sao cùng hàng loạt trang thiết bị y tế hiện đại bậc nhất trong nước.
Đây là một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện đa khoa chuyên sâu, đến nay đây vẫn là bệnh viện tư lớn nhất TP.HCM.
Trong quá khứ đầu tư kinh doanh của mình, bất kỳ lĩnh vực nào ông đầu tư đều là những lĩnh vực rất mới và thị trường còn bỏ ngỏ.
Giai đoạn năm 2002-2009, cái tên Trầm Bê được nhiều người biết tới hơn khi ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Đây là đơn vị duy nhất đủ tiền để sở hữu dây chuyền chiếu xạ thanh long cho đến tận năm 2009..
Thương vụ “khủng” thâu tóm Sacombank
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004, khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và là thành viên HĐQT.
Đây cũng là giai đoạn “hoàng kim” của SouthernBank, khi ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Năm 2007, SouthernBank đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê nhanh chóng gia tăng quyền lực của mình tại ngân hàng này bằng cách cho các con nắm giữ những vị trí lãnh đạo và thâu tóm phần lớn cổ phần.
Sau khi xây dựng quyền lực tại SouthernBank, ông Trầm Bê lên kế hoạch thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên, là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).
Bằng cách trở thành cổ đông của Sacombank, ông được bầu làm Phó chủ tịch thường trực trong cuộc "thay máu" của nhà băng này diễn ra tháng 2/2012.
Con trai ông là Trầm Khải Hòa cũng trở thành thành viên HĐQT Sacombank từ tháng 5/2012. Tại SouthernBank, con trai Trầm Trọng Ngân cũng lên giữ chức Phó chủ tịch thường trực thay vị trí ông Trầm Bê để lại.
Tháng 10/2015, Sacombank và Southernbank sáp nhập. Chỉ sau quý đầu tiên sau khi Trầm Bê thâu tóm và thực hiện sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, Sacombank bắt đầu tụt dốc. Quý đầu tiên, quý IV/2015, Sacombank đã gánh khoản lỗ trước thuế 738 tỷ đồng, lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ năm 2014.
Cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro quý IV/2015 cũng tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý IV/2015. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.
Tuy có giảm lỗ nhưng Sacombank vẫn tiếp tục sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016. Lũy kế cả năm chỉ đạt 531 tỷ đồng trước thuế, giảm 55% so với năm 2015. Cũng trong năm 2016 tiếp tục ghi nhận mục “Tài khoản có khác” của Sacombank có khoản phải thu tăng lên 43.741 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu tiếp tục tăng lên 26.389 tỷ đồng.
Vướng vòng lao lý
Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, hàng loạt vấn đề chưa từng có tiền lệ tại Sacombank đã xuất hiện. Đó là vào cuối tháng 3/2016, Sacombank đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đề nghị gia hạn công bố báo cáo kiểm toán năm 2015.
Theo Sacombank, lý do của việc này là Sacombank vẫn chưa nhận được hướng dẫn và phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước. Song đề nghị này của Sacombank đã bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) từ chối.
Tới Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015 – 2016 của Sacombank được tổ chức vào cuối tháng 6/2017, nhiều cổ đông đã yêu cầu truy trách nhiệm đối với ông Trầm Bê sau khi hai cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa “đi mà không chào ai”.
Cổ đông Lê Thị Kim Cúc đặt câu hỏi: “Sao hôm nay không có ông Trầm Bê? Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?”.
Bà Cúc cho biết, năm 2015, bà cũng như nhiều cổ đông khác không đồng ý sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank. Cổ phiếu trước khi sáp nhập “cao chót vót” thì nay “thấp lè tè”. Kể từ khi sáp nhập với Southernbank, Sacombank không chia cổ tức cho cổ đông. Trước sáp nhập, nợ xấu STB chỉ có 1,8 thì nay tăng gấp nhiều lần. Rủi ro tăng gấp đôi, lợi nhuận giảm dần.
Sau thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2015 – 2016 của Sacombank khoảng 1 tháng, ngày 1/8/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng. 9 người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.
Sau đó 1 ngày, trả lời trong bản tin được phát trên truyền hình trưa 2/8/2017, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh đã thông tin về khoản vay nợ của ông Trầm Bê và những thành viên, công ty liên quan tại Sacombank: “Ông Trầm Bê có hai khoản nợ ngân hàng. Một là những khoản nợ liên quan tới bất động sản, khoảng 33.000 tỷ đồng. Một khoản nợ liên quan tới cổ phiếu, khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng cộng là 43.000 tỷ đồng, tất cả những khoản vay này đều có tài sản đảm bảo”.
Ngày 3/9/2018, TAND TP.HCM tuyên phạt Trầm Bê 4 năm tù về tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do giúp Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)