Những khảo sát được thực hiện trên các triệu phú và tỷ phú Nga kể từ khi Mỹ và châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nga vào năm ngoái cho thấy phần lớn giới nhà giàu Nga đang tìm kiếm người kế vị một cách nghiêm túc.
Không đi theo mô hình gia đình trị
Theo Phoenix Advisors – một quỹ đầu tư có trụ sở ở Moscow thường xuyên giúp các doanh nhân tìm kiếm người kế vị và giải quyết những thách thức trong quá trình chuyển đổi, vì xu hướng nói trên, trong vài năm tới các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp Nga sẽ tăng đột biến.
Một nửa người được hỏi trong khảo sát năm 2014 của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers cho biết đang có kế hoạch bán cổ phần. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với mức trung bình trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hơn một nửa người tham gia một khảo sát khác tin rằng “các công ty lớn của Nga sẽ không trở thành những tập đoàn gia đình trị”.
Khảo sát của PwC được thực hiện trên 2.484 tổng giám đốc và CEO ở 40 quốc gia, trong đó có 57 người Nga.
Cái giá đắt đỏ
Đối với những người giàu nhất nước Nga, đây là vấn đề sẽ tốn khá nhiều tiền của để giải quyết. 22 người Nga nằm trong bảng xếp hạng 400 tỷ phú giàu nhất thế giới do Bloomberg xây dựng hiện đang kiểm soát khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, 115 tỷ USD có liên quan chặt chẽ đến các công ty niêm yết đang hoạt động ở Nga.
Lâu nay các doanh nghiệp Nga vẫn được cho là hoạt động dựa trên những mối quan hệ cá nhân và những luật lệ ngầm. Kết quả là, phần lớn các doanh nhân phải nuôi dưỡng mối quan hệ với rất nhiều người nắm trong nhiều loại quyền lực, từ các nhà làm luật cho tới quan chức thuế… Mối quan hệ ấy được nuôi dưỡng trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ và tạo nên một loại vốn “vô hình” không thể tự động chuyển giao cho thế hệ sau.
Bên cạnh đó, không giống như các nước khác trên thế giới, Nga không có hệ thống luật pháp đảm bảo chắc chắn rằng tài sản có thể được chuyển giao an toàn cho thế hệ sau.
Không có người Nga nào trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới được thừa kế tài sản |
1/3 trong số 400 tỷ phú giàu nhất thế giới có được khối tài sản kếch xù từ thừa kế. 1/4 trong số 125 tỷ phú của Mỹ được thừa kế tài sản trong khi một nửa trong số 106 tỷ phú của châu Âu cũng là người thừa kế.
Andrey Guryev hiện là tỷ phú Nga duy nhất bổ nhiệm con trai của mình làm CEO của tập đoàn mà ông đã gây dựng nên. Từng là người giàu nhất nước Nga, Guryev đã biến Phosagro OAO thành công ty sản xuất phân bón phosphate lớn nhất châu Âu và cũng từng ngồi ở Thượng viện Nga suốt hơn 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, ông là người khá thân cận với Khodorkovsky – ông vua dầu mỏ sở hữu tập đoàn Yukos Oil đã bị buộc tội trốn thuế, rửa tiền và biển thủ công quỹ vào năm 2005. Năm 2013, Guryev cũng đã rời khỏi chính trường và chuyển toàn bộ quyền lực cho con trai Andrey Guryev Jr. Để đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ, Guryev trở thành Phó chủ tịch và giám sát chiến lược phát triển của công ty. Năm nay 33 tuổi, Guryev Jr. đã tốt nghiệp ĐH Greenwich (London, Anh).
Doanh nhân 58 tuổi David Yakobachvili là một trong những hiếm hoi muốn làm như Guryev. Năm 2010, ông đã bán lượng lớn cổ phần ở hãng sản xuất nước ép Wimm-Bill-Dann Foods cho PepsiCo với giá 3,8 tỷ USD. Con trai Mikhail của ông quay lại Moscow sau khi tốt nghiệp ĐH New York năm ngoái để học hỏi cách đầu tư của bố. Yakobachvili cho biết con trai ông đã có đóng góp lớn trong thương vụ bán 49% cổ phần của công ty năng lượng Petrocas cho tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft với giá 144 triệu USD.
Tuy nhiên đây chỉ là hai trường hợp ngoại lệ ở Nga. Khi được hỏi về những thách thức lớn nhất đe dọa hoạt động kinh doanh, 61% chủ doanh nghiệp Nga cho rằng đó là vấn đề “chính sách và chính phủ”, cao gấp đôi mức trung bình. Trong khi đó không giống như Nga, vấn đề mà doanh nghiệp ở các nước khác quan tâm là tình hình tài chính, tỷ giá hay sức cạnh tranh.
Theo Thu Hương (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)