Sau giai đoạn bùng nổ mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản trong 5 tháng đầu năm, dòng tiền vào thị trường đang có dấu hiệu chững lại những phiên gần đây dù cho VN-Index vẫn liên tiếp lập đỉnh mới.
Giá trị khớp lệnh sàn HoSE liên tục sụt giảm, từ mức đỉnh gần 30.000 tỷ đồng vào đầu tháng 6, trong những phiên gần đây đã xuống dưới 20.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 1/3 thanh khoản.
Việc thanh khoản thị trường đột ngột giảm sâu gần đây có thể đến từ tâm lý thận trọng, bảo vệ thành quả sau giai đoạn bứt phá không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, một vài yếu tố "kỹ thuật" từ các CTCK cũng được cho là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.
Nhà đầu tư thận trọng rút bớt tiền khỏi thị trường sau nhịp tăng "nóng"
Yếu tố đầu tiên khiến thanh khoản thị trường đột ngột giảm mạnh trong nửa cuối tháng 6 có thể đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Kể từ khi tạo đáy tại vùng 650 điểm vào cuối quý 1/2020, chỉ số VN-Index đã có cú bứt phá ngoạn mục, liên tiếp thiết lập những đỉnh cao mới. Đà tăng của VN-Index có phần khá dễ dàng khi gần như không có nhịp điều chỉnh mạnh thực sự nào khiến nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm phần nào cẩn trọng hơn.
Từ đầu năm tới nay, những nhà đầu tư kiếm lãi 50%, thậm chí tăng tài khoản bằng lần trên thị trường không phải hiếm gặp. Với tỷ suất sinh lợi lớn như vậy, xu hướng chốt lãi, chờ cơ hội điều chỉnh hoặc rút bớt tiền khỏi thị trường là không tránh khỏi và điều này góp phần đẩy thanh khoản thị trường sụt giảm.
Bên cạnh đó, VN-Index sau những phiên tăng liên tiếp cũng đã vào vùng 1.300 – 1.400 điểm, đây là mức điểm số được hầu hết CTCK cũng như các tổ chức lớn dự báo cho thị trường năm nay. Do đó, khi VN-Index bước vào vùng điểm số này cũng khiến tâm lý giới đầu tư dần trở nên thận trọng hơn.
Mặc dù định giá TTCK Việt Nam hiện chưa quá cao so với khu vực (P/E khoản 18,5), nhưng cũng khó có thể nói vẫn rẻ. Trong nửa cuối năm, những thông tin về lạm phát, dịch bệnh hay chính sách "bơm tiền" của Mỹ sẽ là những yếu tố có thể tác động tiêu cực tới thị trường.
Với những yếu tố rủi ro có thể xuất hiện, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư trong giai đoạn này nên giảm bớt margin, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu để bảo vệ thành quả. Ngay cả Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư xưa nay vốn rất lạc quan với TTCK Việt Nam mới đây đã cho rằng định giá TTCK Việt Nam hiện cũng không còn rẻ và nhóm ngân hàng có thể không còn quá thuận lợi từ sau năm 2021.
Yếu tố "kỹ thuật" từ nghiệp vụ cho vay margin của các CTCK?
Bên cạnh yếu tố rút tiền đơn thuần, một số nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho rằng thanh khoản sụt giảm có thể đến từ việc các CTCK thu hẹp quy mô cho vay margin khi thời điểm chốt số liệu quý 2 đang cận kề. Trước thời điểm báo cáo, một số CTCK có thể cho vay "quá tay", vượt hạn mức và cần phải nhanh chóng hạ tỷ lệ cho vay về mức quy định (tối đa cho vay gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).
Theo đánh giá của CTCK MBS, một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm trong tuần cuối tháng 6 là vấn đề mang tính "kỹ thuật" khi các con số ở khoản mục cho vay, trong đó có cho vay nghiệp vụ ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán sẽ được công bố trong báo cáo tài chính bán niên.
Bên cạnh đó, dòng tiền ở các doanh nghiệp nếu có "tranh thủ phiêu lưu" cũng sẽ về tài khoản trước khi chốt sổ. Hiện tượng này cũng có thể mang tính chu kỳ, trong tuần cuối tháng 6 ở các năm 2019 và 2020 thanh khoản thị trường cũng đều giảm so với tuần trước đó.
Năm nay, trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường (cả 3 sàn) đang ở mức kỷ lục (30.310 tỷ đồng/phiên) kể từ đầu tháng 6 cho tới nay và margin ở các công ty chứng khoán cũng gần như chạy hết công suất, thanh khoản khớp lệnh tuần vừa qua cũng giảm về mức 18.500 tỷ đồng/phiên ở sàn HoSE, tương đương mức giảm 15,4% so với tuần trước đó, cắt mạch chuỗi 6 tuần liên tiếp thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên.