Trong 'cơn say' chứng khoán, tiền đang chảy vào túi ai?

17/06/2021 10:38:28

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu - trong khủng hoảng dịch bệnh, nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán (F0) nên thận trọng khi chọn cổ phiếu đầu tư, để tiền chảy đúng vào thị trường sơ cấp là túi tiền của các doanh nghiệp chứ không phải chảy vào thị trường đầu cơ, vào các giao dịch thứ cấp mua đi bán lại.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu - trong khủng hoảng dịch bệnh, nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán (F0) nên thận trọng khi chọn cổ phiếu đầu tư, để tiền chảy đúng vào thị trường sơ cấp là túi tiền của các doanh nghiệp chứ không phải chảy vào thị trường đầu cơ, vào các giao dịch thứ cấp mua đi bán lại.

Tiền chảy vào túi các nhà đầu cơ

Mặc dù bước sang năm thứ 2 nền kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán vẫn bùng nổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng chỉ số chứng khoán ngày càng đi lệch so với nền kinh tế thực, không còn là hàn thử biểu của kinh tế. Vòng xoáy này sẽ gây áp lực lạm phát lớn trong dài hạn, ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế vĩ mô.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho biết tồn tại 2 quy luật về thị trường chứng khoán.

“Ở góc nhìn thứ nhất, thị trường chứng khoán phản ánh hiệu quả của nền kinh tế. Còn cách nhìn thứ 2 ở góc độ tài chính, thị trường chứng khoán hay thị trường tài sản nói chung có quan hệ rất chặt chẽ với cái gọi là chi phí vốn”, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho biết.

Trong 'cơn say' chứng khoán, tiền đang chảy vào túi ai?
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán để phát hành tăng vốn. Ảnh: LĐO.

Theo đó, trong mối quan hệ chặt chẽ với chi phí vốn: “ Khi nào lãi suất thấp thì các loại tài sản tăng giá. Hiện nay, do COVID-19, chi phí vốn ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung rất rẻ. Khi có nhiều vốn rẻ như vậy thì đương nhiên là nó sẽ gây ra hiệu ứng tăng giá ở tất cả các loại thị trường tài sản. Chỉ khi nào các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại hoạt động bình thường và vốn chảy vào các lĩnh vực khác, dẫn đến việc nhu cầu vốn tăng lên thì lúc đó thị trường tài sản, thị trường chứng khoán mới quay trở lại phản ánh sức sống của nền kinh tế. Còn bây giờ nó đang phản ánh nguyên tắc giữa đầu cơ và giá vốn. Khi mà giá vốn rẻ thì người ta sẽ đầu cơ nhiều”.

Đồng quan điểm với TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Đúng là dòng vốn hiện tại đang ào ào chảy vào thị trường chứng khoán nhưng là chảy vào thị trường 2 chứ không phải thị trường 1. Thị trường 1 là thị trường mà các nhà đầu tư họ mua chứng khoán và tiền đó chảy vào túi của nhà phát hành, gọi là thị trường sơ cấp. Nhưng mà hiện tại thị trường chứng khoán chủ yếu là mua đi bán lại, dòng tiền nó ở trên thị trường thứ cấp của những nhà đầu tư và những nhà đầu cơ, nó không đi vào sản xuất kinh doanh”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu giá chứng khoán tiếp tục bị đẩy lên cao thì sẽ xảy ra rủi ro bong bóng: “Bong bóng thì không thể tồn tại lâu được. Rủi ro này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế khác, trong đó có bất động sản, tiền gửi ngân hàng…Chúng ta hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt, các thị trường, các lĩnh vực kinh tế hồi phục để hứng vốn”.

Thận trọng “lọc” cổ phiếu tốt

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán để phát hành tăng vốn cổ phần, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như bù đắp việc thiếu hụt dòng tiền sau đại dịch.

Theo số liệu của FiinPro, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 102.600 tỉ đồng trong năm nay, mức cao nhất trong lịch sử. Cụ thể, có 20.300 tỉ đồng đã được phát hành thành công tính từ đầu năm, số còn lại dự kiến được phát hành từ nay đến cuối năm.

Trong đó, các doanh nghiệp dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu 54.100 tỉ đồng và phát hành riêng lẻ 47.800 tỉ đồng. Ba nhóm ngành dự kiến phát hành tăng vốn nhiều nhất là ngân hàng, bất động sản và chứng khoán, với mức huy động lần lượt đạt 21.900 tỉ đồng, 15.800 tỉ đồng và 14.800 tỉ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị các nhà đầu tư nên tìm đến các cổ phiếu mang tính vền vững trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh, kinh tế vĩ mô chưa hồi phục hoàn toàn như hiện nay.

“Nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu của các nhà phát hành (doanh nghiệp - PV) minh bạch về thông tin, và theo dõi tất cả các chỉ số ROA, ROE, thanh khoản của nhà phát hành trong nhiều năm. Đặc biệt, phải xem kỹ P/E. Nếu P/E cao hơn 30 lần thì đó là các cổ phiếu có thể đã bị đội giá”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo Minh An (Lao Động)