Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân

04/01/2018 13:49:55

Thuế thu nhập cá nhân nộp về ngân sách liên tục tăng mạnh qua các năm, riêng năm nay có thể vượt 80.000 tỉ đồng.

Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018.
Dự thảo mới chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung, trong đó có thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Hai phương án tính thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính đưa ra hai phương án mới tính thuế TNCN. Theo phương án 1, biểu thuế suất mới với số bậc tính thuế giảm từ bảy bậc xuống năm bậc. Theo phương án này, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay.

Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng /tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận nếu theo phương án 1, mặc dù đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn nhưng số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỉ đồng. Đồng thời có ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế này sẽ có lợi cho người giàu, cá nhân có thu nhập thấp không có lợi.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2. Theo đó bậc 1, tức 5 triệu đồng, tương ứng thuế 5%; bậc 2, tức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, áp mức thuế 10%; bậc 3 từ 10% đến 40%, áp thuế 20%; bậc 4 từ 40 triệu đến 80 triệu đồng, áp mức thuế 30% và bậc 5 trên 80 triệu đồng áp mức thuế 35%.

Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân - 1
Dư luận hiện nay chưa đồng tình với việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Với phương án này, theo Bộ Tài chính cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại nhưng mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn. Ví dụ nếu cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng. Cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng. Cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng...
Như vậy, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỉ đồng. Do vậy, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Nên tính theo một tỉ lệ phần trăm

Góp ý về các phương án trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng dự thảo giảm số bậc thuế từ bảy bậc xuống còn năm bậc làm cho chênh lệch phần thu nhập tính thuế rất lớn. Ví dụ bậc 4 từ 50-80 triệu đồng cùng chịu thuế suất 28% là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính nêu lý do giảm bậc thuế là để đơn giản trong kê khai, kiểm tra thu là chưa thuyết phục

Còn Bộ KH&ĐT dù đồng tình với sự điều chỉnh của bậc thuế nhưng lại đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của việc thay đổi biểu thuế, đảm bảo góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta.

Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đề nghị trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao thì giảm thuế thu nhập cá nhân là giải pháp cần thiết và cấp bách. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, mở rộng đối tượng thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật hiện hành về việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, đơn vị này đề nghị giảm 50% số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân làm việc tại khu công nghệ cao; các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin…

Nên mở rộng đối tượng được miễn giảm

Góp ý về hai phương án tính thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, phân tích: Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ đến nhảy bậc, tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp,... là phiến diện, chưa chuẩn. Trong thực tế, nếu càng chia nhiều bậc, sự phân hóa càng chính xác, không bị nhảy bậc vô lý và có phần mềm tính toán thay cho người.

“Lạm phát của Việt Nam hằng năm là điều tất yếu nên khi tính thuế TNCN phải căn cứ vào đó để đảm bảo đời sống thực tế của người lao động không bị ảnh hưởng. Không nên quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng một con số tuyệt đối mà nên quy định theo tỉ lệ phần trăm, có thể dựa trên mức lương tối thiểu hoặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố chính thức của Chính phủ thì luật sẽ không bị lạc hậu” - ông Long đề nghị.

Thuế TNCN liên tục tăng

Theo số liệu của cơ quan chức năng, thuế thu nhập cá nhân nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỉ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 đồng và theo dự toán năm 2017 có thể vượt 80.000 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, để Luật Thuế TNCN có tính pháp lý bền vững, ổn định lâu dài, không bị lạc hậu, không phải thường xuyên điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế khi lạm phát hằng năm của nền kinh tế nước ta luôn có sự biến động, không nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân bằng một số tiền tuyệt đối là 5 triệu đồng hoặc 10 triệu đồng. Việc quy định mức tiền tính thuế (ngưỡng khởi điểm tính thuế) nên tính theo một tỉ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu.

Về mức chiết trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc nên là bao gồm con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động và không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc. Có như vậy mới tạo ra sự đồng tình của xã hội đối Luật Thuế TNCN.

Về miễn giảm thuế TNCN, ngoài những đối tượng được miễn giảm như trong dự thảo, TS Long đề nghị cần miễn giảm thêm cho đối tượng đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn điều kiện để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn, khoa học…, đặc biệt những người từ 65 tuổi trở lên. Điều này sẽ động viên, khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho những người cao tuổi tiếp tục tham gia vào các hoạt động của xã hội như nhiều nước đã thực hiện.

Bác đề xuất đánh thuế tiền gửi ngân hàng

Có ý kiến đề xuất mở rộng cơ sở thuế bằng cách đánh thuế TNCN đối với lãi tiền gửi tiết kiệm đối với nhóm cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng lớn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng Luật Thuế TNCN hiện hành quy định miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Việc miễn thuế TNCN nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để lĩnh lãi. Thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá.

“Qua theo dõi phản hồi từ báo chí, dư luận hiện nay cũng chưa đồng tình với việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng. Do vậy, đề nghị giữ như dự thảo luật” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Theo Trà Phương (Pháp Luật TP.HCM)

Nổi bật