Sạch và thân thiện môi trường...
Bạc Liêu, Long An, tỉnh Tiền Giang thể hiện quan điểm không đầu tư dự án nhiệt điện than, mà chỉ đầu tư bằng khí hóa lỏng (LNG). Lý do quen thuộc được các địa phương này đưa ra là do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Vậy điện khí có ưu điểm gì so với nhiệt điện than?
Nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay
Lượng cung khí LNG trên thế giới đang dồi dào với giá cạnh tranh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án điện khí.
Được các tổ chức tín dụng trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi để thu xếp vốn cho dự án, cũng như được ủng hộ từ các nước/tổ chức sản xuất, cung cấp LNG.
Thời gian xây dựng nhanh hơn so với các nhà máy nhiệt điện than.
Thông tin của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay Việt Nam có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống, trong đó:
Khu vực Đông Nam Bộ với 10 nhà máy có tổng công suất 5.700 MW, gồm: nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy Nhơn Trạch 1,2 sử dụng nguồn khí mỏ Nam Côn Sơn, Cửu Long.
Khu vực Tây Nam Bộ với 2 nhà máy Cà Mau 1,2. Tổng công suất khoảng 1.500 MW sử dụng nguồn khí mỏ PM3, Cái Nước.
Dự kiến đến năm 2020, công suất nhiệt điện khí là gần 9.000 MW, nhưng chỉ chiếm 14,9% công suất toàn hệ thống, xếp sau thủy điện và nhiệt điện than. Năm 2030, nhiệt điện khí tăng lên 19.000 MW, thêm 12.000 MW so với hiện nay, chiếm 14% công suất toàn hệ thống.
Giai đoạn tới là sự góp mặt của các nhà máy điện sử dụng nguồn khí trong nước gồm Miền Trung 1,2; Dung Quất 1,2,3 (750 MW/nhà máy) sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh; Ô Môn 2,3,4...
Các nhà máy sử dụng LNG nhập khẩu gồm Sơn Mỹ 1; Sơn Mỹ 2; Nhơn Trạch 3,4.
... Nhưng giá đắt hơn nhiều
Cùng với sự gia tăng nhiệt điện khí, thì khả năng cung cấp khí cho phát điện là không thể xem nhẹ. Dự kiến, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu lượng lớn khí.
Theo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2019 sẽ được đảm bảo.
Việc đưa mỏ Phong Lan Dại vào vận hành chính thức trong quý 1/2019 giúp bù đắp sản lượng khí Lan Tây, Lan Đỏ suy giảm. Còn việc đưa mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt vào quý 3/2020 sẽ bổ sung khí cho khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1,5 tỷ m3/năm;
Khả năng cấp khí tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ được duy trì ở mức sản lượng như hiện nay đến hết năm 2022. Từ năm 2023, sản lượng khí cấp về bờ sẽ bị suy giảm mạnh (Lô 06.1 dừng khai thác vào tháng 5/2023) và bắt đầu thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
Với mức cấp khí từ thượng nguồn và huy động tại hạ nguồn như hiện nay, dự kiến quyền lấy bù khí của PVN sẽ hết vào tháng 10/2019. Sau thời điểm cân bằng, khả năng cấp khí của PVN qua đường ống PM3 - Cà Mau sẽ chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ 2023 và ngừng cấp khí từ năm 2028.
“Nếu không mua được khí từ Malaysia, nguồn cung khí sẽ không đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ sau khi PVN hết quyền lấy bù (vào tháng 10/2019)”, Vụ Dầu khí và Than cho hay.
Với tổng công suất các nhà máy điện khí giai đoạn 2030 khoảng 19.000 MW sẽ cần khoảng 22 tỷ m3 khí, trong đó khoảng gần 50% là từ nguồn LNG nhập khẩu.
Ngoài ra, xu hướng giá khí cao sẽ là thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện.
browser not support iframe.So với nhiệt điện than, nhiệt điện khí được đánh giá là “sạch” hơn. Nhưng đi kèm với nó là giá điện cao ngất ngưởng.
Nhiệt điện khí hiện có mức giá cao top đầu trong số các nguồn điện. Thủy điện giá xấp xỉ 1.000 đồng/kWh, còn nhiệt điện than xấp xỉ 1.500 đồng/kWh. Điện gió là 1.900-2.200 đồng/kWh, điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh.
Tuy nhiên giá điện khí, theo tính toán sơ bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B lên tới 2.800 đồng/kWh.
Điều này được chứng minh qua mức chào giá điện khí của một số dự án rục rịch đầu tư.
Khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Cần Thơ), mức giá các nhà đầu tư đưa ra đều rất sát. EVNGENCO 2 đưa ra giá điện là 2.884 đồng/số, mức giá tại liên danh Vietracimex - Marubeni cũng vậy.
Còn với dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí Ô Môn III và Ô Môn IV, giá bán điện ở mức 2.355 đồng/kWh và tối đa là khoảng 2.840 đồng/kWh. Mức giá này được cho là mới đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án Ô Môn III và IV.
Điều này có nghĩa, khi nhiệt điện khí gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh ngày càng nhiều nguồn điện giá cao đi vào vận hành, giá điện bán lẻ sẽ chịu áp lực điều chỉnh rất mạnh trong giai đoạn tới.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)