Sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 trước Quốc hội.
Những vấn đề cần Chính phủ làm rõ
Ủy ban Kinh tế nêu một số vấn đề muốn Chính phủ làm rõ.
Một là Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả năm 2018, từ đó làm rõ những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo.
Ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch với lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục (gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế) đối với tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước để có những kinh nghiệm, bài học tốt góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đề nghị tiếp tục phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra; các thị trường yếu tố sản xuất (lao động, khoa học công nghệ, đất đai) vẫn chậm phát triển.
Về tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn mà chưa thực sự phát huy từ các yếu tố cạnh tranh nội tại của nền kinh tế.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác dầu thô khá lớn so với số đã báo cáo Quốc hội (tăng 240.000 tấn dầu thô).
Về hoạt động doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm vừa và lớn (quy mô vốn từ 50-100 tỷ và trên 100 tỷ đồng). Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với khối FDI còn thiếu hiệu quả, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
“Tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý nghiêm và hiệu quả”, ông Vũ Hồng Thanh nêu trong báo cáo.
Đề nghị minh bạch cách tính giá điện
Về chỉ số giá tiêu dùng, ông Thanh cho biết nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.
Trước đó, khi đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, ông Thanh cũng nêu những lo ngại liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô như rủi ro từ việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế... ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất và tình hình suy giảm của ngành khai khoáng.
Một vấn đề khác được Ủy ban Kinh tế nêu là việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn nhiều vướng mắc; các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP, nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ cấu dòng vốn FDI đăng ký cho thấy sự gia tăng đầu tư đáng kể từ Trung Quốc.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, Ủy ban Kinh tế cho rằng các công trình trọng điểm chưa tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế trong ngắn hạn và gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn.
Đặc biệt một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai thực địa như: dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa từ thành phố đến các địa phương khác.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu lo ngại tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi. Trong khi đó, ngành thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban Châu Âu (EC) chưa xem xét rút “thẻ vàng” và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam.
Về sản xuất công nghiệp, ông Thanh cho rằng còn một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu được dự báo suy giảm. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn lo ngại khi nước ta chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Trước đó, trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019 trước Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao của khu vực và thế giới nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức.
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.
Bước sang năm 2019, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,68%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; dịch vụ tăng 6,5%.
Nói về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)