Điểm tương đồng khiến ngân hàng Việt cẩn trọng sau khi ngân hàng Mỹ phá sản

22/03/2023 06:45:00

Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không còn khả năng trả nợ thì giá trái phiếu xuống rất thấp, thậm chí là bằng 0. Đây là rủi ro cho các ngân hàng.

Điều này gợi nhớ đến vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008, khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra ngay sau đó.

Điều đáng nói, SVB cũng chính là một trong những ngân hàng từng vận động mạnh mẽ nhất để chính phủ Mỹ bỏ điều luật quy định những điều kiện đảm bảo chặt chẽ trong hoạt động ngân hàng vào năm 2008. Kết quả là sau khi bỏ điều luật này, rủi ro đã xảy đến với chính SVB.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng vụ phá sản gần đây của một số ngân hàng Mỹ là bài học lớn cho các ngân hàng Việt Nam.

Hoạt động tài chính, ngân hàng luôn chứa đựng yếu tố rủi ro nên yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng cần phải rất chặt chẽ. 

Ông nhấn mạnh, hoạt động ngân hàng cần phải thận trọng, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về vốn, yêu cầu về cho vay, quản trị rủi ro,... Tất cả đều phải được đưa ra mức yêu cầu cao và buộc phải tuân thủ. 

“Việt Nam từng gặp một số ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Vụ việc phá sản của một số ngân hàng Mỹ cũng là lúc các cơ quan quản lý của Việt Nam nên yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá lại việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn đã đáp ứng tiêu chuẩn chưa. Từ đó, đánh giá tổng quan xem những tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn của Việt Nam ở mức nào so với thế giới, có những biện pháp cụ thể nếu phát hiện tổ chức tín dụng không đảm bảo tiêu chuẩn”, TS. Huỳnh Thế Du nói.

Điểm tương đồng khiến ngân hàng Việt cẩn trọng sau khi ngân hàng Mỹ phá sản
Bên ngoài trụ sở Silicon Valley Bank tại California (Mỹ) hôm 10/3. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, có sự tương đồng giữa những ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng Mỹ vừa phá sản, đó là các ngân hàng này nắm giữ một lượng trái phiếu rất lớn, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của một vài ngân hàng tại Mỹ là đầu tư trái phiếu tại thời điểm lãi suất thấp. Sau khi lãi suất tăng lên làm giá trái phiếu trên thị trường giảm xuống, các ngân hàng cần tiền để thanh toán cho trái chủ hoặc phục vụ cho hoạt động tín dụng của ngân hàng thì ngân hàng phải chấp nhận bán lỗ trái phiếu.

Đó là câu chuyện của các ngân hàng Mỹ. Hiện tượng này không xảy ra với các ngân hàng Việt Nam, nhưng đã có hiện tượng trái phiếu doanh nghiệp không còn giá trị hoặc doanh nghiệp đứng trước bờ vực vỡ nợ. Điểm tương đồng giữa một số ngân hàng Việt và ngân hàng Mỹ là đều nắm giữ trái phiếu dù khối lượng khác nhau. 

“Tại Mỹ, khi giá trị trái phiếu giảm dẫn đến ngân hàng thua lỗ. Còn tại Việt Nam, trái phiếu không có 'giá trị thị trường' do các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhưng khi doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ thì 'giá trị thị trường' của những trái phiếu này cũng xuống rất thấp, thậm chí là bằng 0. Đây là rủi ro cho các ngân hàng Việt Nam. Các nhà băng cần phải nhìn nhận việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu của các ngân hàng Mỹ như là một tấm gương để tự nhìn lại mình, qua đó quản trị rủi ro một cách hiệu quả hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Trong vụ việc của ngân hàng SVB, CEO của ngân hàng, ông Greg Becker và Giám đốc tài chính (CFO) Daniel Beck đều bán cổ phiếu SVB vào tuần trước khi ngân hàng sụp đổ.

Cụ thể, ông Becker thực hiện lệnh bán 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2, thu về khoảng 2,3 tỷ USD. Còn ông Beck thu về hơn 575.000 USD sau khi bán khoảng 1/3 số cổ phiếu ngân hàng này mà ông đang nắm giữ. Cả hai đợt bán cổ phiếu trên của lãnh đạo SVB đều được thực hiện theo kế hoạch và được thông báo cho cơ quan quản lý 30 ngày trước đó.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng nếu việc mua bán cổ phiếu một cách công khai, minh bạch đúng quy định thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư, ông lưu ý khi một người điều hành ngân hàng có động thái bán tháo cổ phiếu khi biết trước thông tin nội bộ thì lại là một câu chuyện khác.

"Mỗi vấn đề luôn có sự bất cân xứng thông tin, người điều hành có thể vì lợi ích của họ mà có hành động gây tổn hại đến cổ đông của tổ chức đó, thậm chí có thể gây tổn hại đến cả nền kinh tế. Trong thuật ngữ kinh tế tài chính gọi là 'rủi ro đạo đức' hay 'tâm lý ỉ lại'. Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý động thái của lãnh đạo doanh nghiệp khi họ thực hiện bán ra ồ ạt cổ phiếu", TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

 

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật