Silicon Valley Bank phá sản tác động thế nào tới lĩnh vực công nghệ?

14/03/2023 11:00:00

Silicon Valley Bank là đầu mối huyết mạch giúp các công ty startup công nghệ tiếp cận nguồn vốn thiết yếu. Nhiều khách hàng của SVB là các công ty trong lĩnh vực crypto, thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ những cuộc khủng hoảng năm ngoái.

Tác động với lĩnh vực tiền mã hoá

Hai ngân hàng gần gũi với lĩnh vực crypto và ngân hàng lớn nhất dành cho startup công nghệ sụp đổ trong vòng chưa đầy 1 tuần khiến thị trường này càng rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Tuần trước, Silvergate Capital, nhà cho vay chủ chốt trong ngành crypto thông báo ngừng hoạt động và sẽ thanh lý ngân hàng. Trong khi đó, Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng vốn chủ yếu của giới khởi nghiệp cũng tuyên bố sụp đổ khi khách hàng ồ ạt rút hơn 42 tỷ USD sau thông tin cần huy động 2,25 tỷ USD để cân đối bảng kế toán. Signature, ngân hàng chuyên crypto có quy mô lớn hơn nhiều so với Silvergate, cũng bị nhà chức trách phong toả vào tối 12/3.

Silicon Valley Bank phá sản tác động thế nào tới lĩnh vực công nghệ?
Các nhà giao dịch bắt đầu xu hướng hoán đổi USDC và DAI (đồng tiền ảo phổ biến khác chốt giá với USD và được hỗ trợ một phần bằng USDC) sang Tether, đồng stablecoin có vốn hoá lớn nhất thị trường. Nguyên nhân do công ty phát hành của Tether không có bất kỳ sự tiếp xúc nào với SVB, bất chấp hoạt động kinh doanh và tình hình dự trữ của công ty này bị giới chuyên gia nghi ngờ từ lâu.

Trước diễn biến nhanh chóng đẩy các ngân hàng vào vòng lao đao, Chính phủ liên bang Mỹ đã buộc phải can thiệp đứng ra đảm bảo cho các khoản tiền gửi cho SVB và khách hàng của Signature.

Theo Nic Carter của Castle Island Ventures, việc chính phủ sẵn sàng hỗ trợ cả 2 ngân hàng cho thấy nhà chức trách đang quay trở lại phương thức cung cấp thanh khoản, thay vì chính sách thắt chặt hoặc nới lỏng tiền tệ - động thái thúc đẩy lĩnh vực crypto và các tài sản đầu cơ khác.

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng một lần nữa cho thấy lỗ hổng cố hữu của những đồng coin ổn định (stable-coin).

Năm ngoái, nhiều vấn đề của crypto cũng nổ ra từ lĩnh vực stablecoin, bắt đầu với sự sụp đổ của TerraUSD vào tháng 5. Vài tuần qua, đồng ổn định chốt giá với USD của Binance, BUSD ghi nhận lượng lớn tiền chảy ra sau khi chính quyền New York và SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ) gây áp lực lên nhà phát hành Paxos.

Cuối tuần trước, lĩnh vực này một lần nữa bị ảnh hưởng khi USDC, đồng ổn định neo giá với USD có thanh khoản cao thứ 2 thị trường bị mất chốt, có thời điểm giảm xuống dưới 87 cent, sau khi nhà phát hành Circle thừa nhận có 3,3 tỷ USD để tại SVB.

Về lâu dài, việc đóng cửa 3 ngân hàng có quan hệ mật thiết với crypto có thể gây ra vấn đề lớn đối với Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất với vốn hoá thị trường 422 tỷ USD.

Silvergate Exchange Network (SEN) và Signet của Signature là các nền tảng thanh toán thời gian thực được người dùng crypto coi là dịch vụ cốt lõi trong ngành. Cả hai dịch vụ cho phép khách hàng thương mại thực hiện thanh toán 24/7.

“Tính thanh khoản của Bitcoin và tiền điện tử nói chung sẽ bị suy giảm phần nào bởi Signet và SEN là chìa khoá để khách hàng đổi tiền pháp định vào cuối tuần”, Carter cho biết.

Startup hỗn loạn, chính quyền phải ra tay

Hàng trăm công ty khởi nghiệp có giao dịch SVB rơi vào tình trạng hỗn loạn. Họ lo ngại không đủ tiền trả lương cho nhân viên trong những tuần tới. Tuy nhiên, rủi ro này sớm được nhà chức trách giải quyết, động thái quan trọng nhằm ngăn chặn sự hoảng loạn lan nhanh và gây ra tác động mang tính hệ thống với giới công nghệ.

Cụ thể, khách hàng của SVB và Signature Bank được đảm bảo toàn bộ số tiền gửi tại đây. Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC sẽ được sử dụng để chi trả cho những người gửi tiền mà nhiều trong số đó không được bảo hiểm do giới hạn 250.000 USD với tiền gửi bảo đảm.

Silicon Valley Bank phá sản tác động thế nào tới lĩnh vực công nghệ? - 1
Các nhà chức trách đã tổ chức tìm kiếm một thể chế tài chính lớn hơn mua lại SVB vào cuối tuần qua nhưng chưa thành công.

Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang (FED) cho biết họ đang xây dựng Chương trình cấp vốn có kỳ hạn nhằm bảo vệ các tổ chức tài chính bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn từ thị trường gây ra từ sự cố SVB.

Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý cho biết chính phủ sẽ không đưa ra gói cứu trợ. Những cổ đông và một số chủ nợ không có bảo đảm sẽ không được bảo vệ và mất tất cả khoản đầu tư.

“Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, Chủ tịch FED Jerome Powell, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho hay.

SVB bị đóng cửa là sự sụp đổ lớn nhất của một tổ chức tài chính kể từ khi Quỹ Washington Mutual phá sản vào năm 2008. Diễn biến vụ việc gia tăng căng thẳng nhanh chóng sau khi SVB thông báo họ đang gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng rút tiền ồ ạt.

Vụ sụp đổ diễn ra trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ găp nhiều khó khăn. Lãi suất cao và sự bất ổn của thị trường khiến dòng tiền đầu tư mạo hiểm bị siết chặt.

“Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đang thu hẹp trong suốt thời gian qua. Sự kiện chấn động như SVB càng khiến các startup gặp khó khăn”, Gary Tan, Chủ tịch kiêm CEO công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y-Combinator cho biết.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)

Nổi bật