Thanh tra quá trình xây dựng Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (Ethanol Dung Quất, tại tỉnh Quảng Ngãi), Thanh tra Chính phủ đã kết luận có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC…
Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 3129 ngày 24.11.2016 cho thấy: Dự án Ethanol Dung Quất do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư; cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10.2014 gồm Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn: 599 tỷ đồng, chiếm 61%; PV Oil: 380 tỷ đồng, chiếm 38,75%; Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco): 2,45 tỷ đồng, chiếm 0,25%.
Nhà máy Ethanol Dung Quất tới nay không chạy lại được vì không bảo đảm cả yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Ảnh: Tường Lâm |
Tại bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên PVN - đại diện vốn Nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu.Nhà thầu thực hiện dự án do Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ định làm tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC). Dự án Ethanol Dung Quất khởi công xây dựng năm 2009 và tới năm 2014 thì cơ bản hoàn thành.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Do đó Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu.
Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thành 71,943 triệu USD, sau đó lại đề nghị điều chỉnh giảm xuống thành 69,152 triệu USD.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, Hợp đồng EPC đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,723 triệu USD, trong đó 3,245 triệu USD tăng không có cơ sở. Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, giá mua sắm nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, nhưng tại thời điểm thanh tra đã tăng lên khoảng 4.446 đồng/kg, tăng 170% so với thời điểm lập dự án. Như vậy từ chỗ chi phí nguyên liệu chỉ chiếm 58% giá thành sản phẩm khi lập dự án, cuối cùng đã chiếm khoảng 65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Kết quả là tính đến năm 2014, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất do phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng...
Dự án "thoi thóp"
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đây là một trong hai dự án khiến PVN phải gánh thua lỗ lớn nhất. Trước đó, khi quyết định đầu tư, Nhà máy Ethanol Dung Quất được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường...
Tuy nhiên, nhà máy này đã đóng cửa, dừng hoạt động từ tháng 4.2015 và khoảng 1/4 lượng lao động tại đây đã nghỉ việc.
Tại cuộc họp mới đây của lãnh đạo Bộ Công Thương với PVN, ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, các cổ đông của dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất đã lên phương án thoái vốn theo 3 bước, gồm: Đấu thầu công khai, theo lô hoặc thỏa thuận trực tiếp và dự kiến sẽ hoàn thành thoái vốn trước thời điểm 31.12.2017, nhưng vấn đề quan trọng nhất là tìm đối tác.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất, Bộ đề xuất lựa chọn phương án chuyển nhượng/thoái vốn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải thực hiện các công việc tính toán khởi động lại nhà máy; xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán Dự án đầu tư xây dựng nhà máy; Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Hiện Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết về dự án gửi Thủ tướng xem xét.
Dự án Ethanol Dung Quất đang “thoi thóp”, nhưng một trong những nội dung được dư luận quan tâm nhất là các cán bộ có liên quan tới dự án thua lỗ nghiêm trọng này, từ PVN tới PTSC, vì sao tới nay vẫn chưa bị xử lý?
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đây là một trong hai dự án khiến PVN phải gánh thua lỗ lớn nhất. Trước đó, khi quyết định đầu tư, Nhà máy Ethanol Dung Quất được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng... |
Theo PV (Dân Việt)